Chức năng của bộ não con người khác nhau ở hai bán cầu não trái và não phải
Khi quan sát từ bên ngoài, bạn có để ý là cơ thể con người chúng ta có cấu tạo đối xứng trái phải không? Chúng ta có mắt trái mắt phải, tai trái tai phải, tay trái tay phải, chân trái chân phải. Và ở bên trong, bộ não con người cũng được chia thành bán cầu não trái và bán cầu não phải. Tuy hình dạng rất giống nhau, nhưng chức năng của mỗi bán cầu não con người lại khá khác biệt.
Ví dụ, với hầu hết mọi người, khi chúng ta dùng ngôn ngữ để nói chuyện hay khi chúng ta suy nghĩ một cách có trình tự và logic thì đó là lúc não trái hoạt động. Còn khi nghe nhạc, hoặc khi quyết định điều gì đó dựa vào trực giác thì đó là lúc não phải hoạt động.
Tuy bộ não được phân chia nhiệm vụ theo 2 nửa trái – phải, nhưng không có nghĩa rằng 2 bán cầu não này hoạt động tách biệt hoàn toàn với nhau.
Trong bộ não con người có một bộ phận gọi là “thể chai” (Corpus callosum). Đây là một bó thần kinh nối liền hai bán cầu đại não với nhau, đồng thời nối những phần cùng tên của hai vỏ bán cầu đại não. Nhờ có thể chai mà hai bán cầu đại não có thể liên lạc và giao tiếp với nhau.

Các nhà nghiên cứu của Mỹ là những người đã phát hiện ra rằng chức năng của bán cầu não trái và bán cầu não phải khác nhau. Họ đã thực hiện thí nghiệm như sau đối với một người đàn ông đã bị cắt mất thể chai để điều trị bệnh về não. Họ cho anh ta xem nhiều tấm hình của các loại ô tô khác nhau, nhưng chỉ được nhìn bằng mắt trái, sau đó yêu cầu anh ta nói tên của các loại ô tô đó. Kết quả là người đàn ông bị cắt mất thể chai đã không thể nói được tên của các loại xe anh ta nhìn thấy.
Tại sao lại như vậy?
Trong não của những người bình thường, thông tin được nhìn thấy bằng mắt trái sẽ được truyền tới não phải. Nhưng để diễn đạt thông tin đó ra bằng lời thì thông tin cần được truyền tới não trái (vì não trái phụ trách ngôn ngữ). Thể chai chính là cầu nối để làm việc này, và người bình thường sẽ có thể nói được tên của những đồ vật mình nhìn thấy.
Tuy nhiên, đối với người đã bị cắt mất thể chai, thông tin về vật nhìn thấy không truyền được từ não phải sang não trái, dẫn đến người đó chỉ có thể sử dụng não phải để cố gắng nói tên của sự vật, nhưng vì não phải không có chức năng nói thành lời nên người đó không thể nói tên của sự vật ra được.
Vậy tại sao bộ não con người lại chia thành não trái và não phải? Người ta vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi này.
Bộ não con người đã trải qua một quá trình tiến hóa rất dài với những sự thay đổi về hình dáng và kích cỡ, để có thể làm chủ được ngôn ngữ, sử dụng công cụ và phát triển kỹ thuật.
Đây chỉ là một phỏng đoán, nhưng rất có thể, nhờ việc phân chia nhiều chức năng đa dạng cho các bộ phận trong não mà con người mới phát triển được năng lực vượt xa so với các loài động vật khác.
Tuy nhiên, không phải chỉ có con người phân chia sử dụng não trái và não phải. Ví dụ, cá voi là loài động vật có vú, nên trong lúc ngủ chúng cũng phải ngoi lên mặt nước để thở nếu không sẽ chết. Vì vậy, cá voi khi ngủ cũng luân phiên cho não trái và não phải nghỉ ngơi. Tương tự, các loài chim di trú phải bay liên tục trong thời gian dài cũng luân phiên cho não trái và não phải nghỉ ngơi trong lúc bay. Có lẽ nhiều loài động vật cũng phân chia sử dụng não trái và não phải để phù hợp với sinh hoạt của mình.