Bạn có bao giờ tò mò về sức mạnh của bộ não trong bạn! Bạn mang một khối với rất nhiều nếp nhăn nặng chưa đầy 1,5kg ở trong đầu nhưng nó điều khiển tất-cả-mọi-thứ bạn làm. Từ việc cho phép bạn suy nghĩ, học tập, sáng tạo, cảm nhận cho đến từng hơi thở, từng nhịp tim, từng cái nháy mắt – trung tâm điều khiển đầy quyền năng này chính là bộ não của bạn. Nó là một cấu trúc kỳ diệu đến nỗi có nhà khoa học đã từng gọi nó là “thứ phức tạp nhất chúng ta từng khám phá ra trong vũ trụ”.
Hãy cùng khám phá những bí mật về sức mạnh của bộ não nhé.
Bộ não của bạn nhanh hơn và mạnh mẽ hơn cả một siêu máy tính
Ví dụ đầu tiên sau đây sẽ cho bạn thấy rằng bộ não của bạn sở hữu một sức mạnh thật kinh khủng.
Nào! giờ bạn hãy thử tưởng tượng bạn đang ở trong bếp và con mèo nhà bạn nhảy qua bàn ăn khiến bình hoa trên bàn bị lung lay sắp rơi xuống. Bạn chỉ có vài giây để hành động. Sau khi hình ảnh chiếc bình lung lay được thị giác tiếp nhận, bộ não của bạn ngay lập tức tính toán bạn cần lao tới đỡ chiếc bình với tốc độ bao nhiêu, ở thời điểm nào và vị trí nào. Sau đó, nó ra lệnh cho các cơ bắp của bạn chuyển động và thực hiện. Thời điểm ra tay hoàn hảo và chiếc bình được an toàn.
Không chiếc máy tính nào có thể sánh ngang với bộ não về khả năng download, xử lý và phản ứng với cơn lũ thông tin từ thế giới bên ngoài đổ về thông qua đôi mắt, đôi tai và các cơ quan cảm giác khác. Đây chính là sức mạnh của bộ não đầu tiên bạn có thể cảm nhận rõ ràng nhất!

Theo Giáo sư Paul Reber – giáo sư tâm lý học của ĐH Northwestern, dung lượng ghi nhớ của bộ não con người có thể lên tới 2.5 petabytes (1 petabyte = 1 triệu gigabyte). Hãy hình dung, nếu bộ não bạn làm việc như một đầu thu video kỹ thuật số trong tivi, 2.5 petabytes đủ để ghi lại 3 triệu giờ chương trình tivi. Bạn sẽ cần bật tivi liên tục hơn 300 năm mới chạy hết số giờ đó.
Tuy nhiên, thực tế là rất khó để tính toán chính xác dung lượng khả năng ghi nhớ của bộ não người. Thứ nhất, chúng ta không biết làm thế nào để đo kích thước của một ký ức. Thứ hai, một vài ký ức chứa đựng nhiều chi tiết sẽ cần nhiều dung lượng hơn, trong khi đó một số ký ức khác thì lại bị quên đi và dung lượng được xóa bớt. Thêm vào đó, một vài thông tin ban đầu chưa được ghi nhớ ngay mà phải trải qua thời gian.
Đây thực ra là tin tốt vì điều này có nghĩa rằng bộ não chúng ta liên tục có khoảng trống để tiếp nhận những trải nghiệm và thông tin mới trong suốt cả cuộc đời. Nếu tuổi thọ của con người ngày càng được kéo dài, liệu có ngày nào đó bộ não của chúng ta sẽ bị lấp đầy không? Khoahocnaobo không biết, các nhà khoa học cũng chưa thể trả lời. Và đây chính là một trong những bí ẩn làm nên sức mạnh của bộ não.
Bộ não của bạn sản sinh ra một lượng điện đủ để thắp sáng một chiếc bóng đèn
Nếu tôi là mụ dì ghẻ trong truyện “Tấm Cám”, tôi sẽ không bắt Tấm nhặt gạo với thóc mà sẽ bắt nàng đếm hết số tế bào thần kinh trong não rồi mới được đi trảy hội.
Bộ não chứa khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh gọi là neuron – quá nhiều đến nỗi bạn sẽ cần hơn 3.000 năm mới có thể đếm hết được chúng.
Bất cứ khi nào bạn cười, nhìn, suy nghĩ, cử động, phát biểu, hay kể cả nằm mơ, những tín hiệu điện và hóa chất li ti đều được phóng ra giữa hàng tỷ “đường cao tốc” neuron – nghĩa là các neuron liên kết với nhau tạo thành các mạch, các con đường.
Tùy bạn tin hay không, nhưng những hoạt động bên trong bộ não không bao giờ ngừng lại (chừng nào chúng ta còn sống).

Các neuron tạo ra và truyền đi nhiều thông điệp còn hơn tất cả điện thoại trên toàn thế giới. Và tuy một neuron thì chỉ tạo ra một lượng điện vô cùng nhỏ, nhưng tất cả neuron cùng với nhau có thể sản sinh ra một lượng điện đủ để thắp sáng một chiếc bóng đèn công suất nhỏ.
Có thể bạn quan tâm: Cách Sử Dụng 100% Bộ Não
Các neuron truyền tín hiệu tới bộ não với tốc độ hơn 241km/giờ
Giả sử bạn đang tưới cây và một con ong đậu trên tay bạn. Ong đậu trên tay chính là 1 kích thích bên ngoài, 1 thông tin. Tế bào thần kinh cảm giác truyền thông tin này tới tủy sống và bộ não với tốc độ khoảng 241km/giờ – nhanh gấp đôi tốc độ tối đa cho phép của xe ô tô trên đường cao tốc. Sức mạnh của bộ não thật đáng kinh ngạc đúng chứ!
Bộ não sau đó sử dụng tế bào thần kinh vận động để truyền thông tin ngược lại qua tủy sống tới bàn tay bạn để bạn hất con ong ra thật nhanh. Những tế bào thần kinh vận động có thể truyền thông tin này với tốc độ khoảng 322km/giờ.

Bạn có thể thay đổi cấu trúc bộ não thông qua học tập
Đi xe đạp có vẻ là nhiệm vụ bất khả thi ở những phút ban đầu. Nhưng chỉ sau vài buổi, bạn đã làm chủ được chiếc xe và ngày càng trở nên thành thục, thậm chí bạn còn có thể đạp xe và thả tay lái (nhưng đừng làm vậy). Bằng cách nào? Khi bạn luyện tập, bộ não truyền tín hiệu “lái xe đạp” tới những mạch nơ-ron có liên quan đến nhiệm vụ này và lặp đi lặp lại hình thành những kết nối mới.
Trên thực tế, cấu trúc của bộ não thay đổi mỗi khi bạn học, thậm chí ngay cả mỗi khi bạn có một ý nghĩ hoặc nhớ lại một ký ức.
Vì vậy, nếu bạn muốn thành thục một kỹ năng nào đó, “lặp đi lặp lại” là chìa khóa quan trọng không thể bỏ qua hay xem nhẹ.
Đọc ngay: Đánh thức tiềm năng bộ não
Vận động giúp bạn thông minh hơn

Một thực tế đã được chứng minh rất rõ ràng đó là bất kỳ hình thức vận động nào khiến tim bạn đập nhanh hơn như chạy bộ, chơi bóng rổ… đều tốt cho cơ thể và thậm chí giúp cải thiện tâm trạng. Nhưng các nhà khoa học còn tìm ra rằng, trong một khoảng thời gian sau khi vận động, cơ thể bạn sản sinh ra một loại hormone khiến não bạn dễ tiếp thu, dễ lĩnh hội hơn khi học tập.
Vì vậy, nếu bạn đang bế tắc khi giải một bài tập hoặc đau đầu về một vấn đề nào đó, đừng vò đầu bứt tai trên bàn nữa mà hãy gác nó lại và ra ngoài chạy vài vòng hoặc chơi một trận bóng. Khi quay trở lại, bạn sẽ thấy bạn có thể tiếp cận nó dưới góc độ khác và mở ra những hướng giải quyết mà lúc trước bạn không nghĩ tới.
Qua những ví dụ vô cùng thực tế phía trên hẳn bạn đang rất bất ngờ về sức mạnh của bộ não bên trong bạn đúng không! Tiếp theo đây, bạn sẽ còn phải ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng mình hoàn toàn có thể làm chủ được bộ não và từ đó hoàn thành được những mục tiêu mà bạn mong muốn. Cùng khám phá sâu hơn về bộ não trong “khóa học Não“ của khoahocnaobo.com nhé!
Nguồn tham khảo: scientificamerican.com, nationalgeographic.com