Có rất nhiều phương pháp để nâng cao hiệu suất học tập, nhưng chính điều này đôi khi lại khiến chúng ta bị “loạn”: “thế rốt cuộc đâu mới là cách nâng cao năng lực học tập tốt nhất???”
Vì vậy, lần này tôi sẽ giới thiệu 4 phương pháp học ứng dụng cơ chế hoạt động của bộ não giúp mang lại hiệu quả về mặt khoa học. Mỗi bộ phận trong não có những đặc trưng riêng, nếu áp dụng vào việc học thì chúng ta có thể nâng cao năng suất của bộ não và học tập hiệu quả hơn.
Nếu bạn đang đau đầu vì “học mãi mà không tiến bộ”, hoặc “thời gian thì có hạn mà muốn học được nhiều hơn”, thì bạn đã tìm đến đúng nơi rồi đấy.
1. Kích hoạt “vỏ não trước trán” bằng cách đọc thành tiếng và tính nhẩm → Cải thiện năng suất của bộ não
Đây là Cách Nâng Cao Năng Lực Học Tập đầu tiên mà tôi muốn nói đến. Đối với những người muốn đẩy mạnh hiệu suất học tập thì trước hết cần chú ý tới “vỏ não trước trán”. Vỏ não trước trán thuộc thùy trán, chiếm 30% đại não của con người và là cơ quan chỉ huy của bộ não. Nó thực hiện những chức năng đặc biệt quan trọng như suy nghĩ, ghi nhớ, lập kế hoạch, nảy sinh ý tưởng, phán đoán, quyết định, thực thi…

Giáo sư Kawashima của Viện nghiên cứu Lão khoa, Đại học Tohoku (Nhật Bản) cho biết: “Chúng ta có thể duy trì sức khỏe và phát triển bộ não bằng việc thường xuyên kích thích, làm hoạt hóa vỏ não trước trán”. Nói cách khác, nếu có thể tạo kích thích cho vỏ não trước trán, chúng ta có thể nâng cao năng suất của không chỉ bộ phận này mà còn của toàn bộ não, và kỳ vọng vào việc cải thiện hiệu suất học tập.
Giáo sư Kawashima đề xuất 2 phương pháp sau để kích hoạt vỏ não trước trán:
- Tính nhẩm nhanh: Hãy tính nhẩm thật nhanh một số câu đố dễ trong vòng 2,3 phút
- Đọc thành tiếng: Cố gắng đọc thành tiếng thật nhanh.
Khi áp dụng tính nhẩm nhanh hoặc đọc thành tiếng như một cách khởi động trước khi học, năng lực của não sẽ được nâng lên 20~30% và tình trạng này kéo dài sau đó 1~2 tiếng. Ngoài ra, nội dung của câu đố hay bài đọc như thế nào không quan trọng, chỉ cần bạn làm càng nhanh càng tốt là được.
Ví dụ, trước khi bắt đầu học, bạn hãy mở giáo trình và đọc to thành tiếng một đoạn trong nội dung sẽ học.
Với bài toán, bạn cũng không cần thiết phải làm theo sách bài tập, mà có thể giở bất kỳ các trang sách và nhẩm cộng số trang với nhau thật nhanh, hoặc chia tổng số tiền trên hóa đơn cho số món đồ đã mua để lấy trung bình. Lần tới hãy thử áp dụng ngay để cảm nhận hiệu quả nhé!
2. Ôn tập nhiều lần để gửi thông tin liên tục tới “Hồi hải mã” → Cải thiện trí nhớ
Học mãi mà không nhớ. Vừa học xong đã quên luôn. Nếu bạn đang dằn vặt bản thân về điều này thì hãy dành nhiều quan tâm hơn cho “hồi hải mã” nhé.
Hồi hải mã là nơi lưu giữ thông tin trong não một cách ngắn hạn, tạm thời. Những thông tin quan trọng sau đó sẽ được hồi hải mã gửi tới vỏ đại não để lưu giữ lâu dài, trở thành trí nhớ dài hạn.
Theo nhà khoa học thần kinh người Nhật Bản Iketani Yuji, với mỗi thông tin tiếp nhận được, hồi hải mã sẽ đánh giá dựa trên tiêu chuẩn: “điều này có cần thiết để duy trì cuộc sống hay không?”, từ đó sẽ quyết định loại bỏ hay giữ lại để ghi nhớ dài hạn.
Chúng ta hay quên những gì mình đã học là bởi bình thường, phần nhiều những nội dung được học không quan trọng đến mức “cần thiết để sinh tồn”. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục nạp một thông tin vào não lặp đi lặp lại nhiều lần, hồi hải mã sẽ ý thức rằng “đây là thông tin cần thiết cho cuộc sống” và lưu lại thành ký ức. Nói cách khác, nếu bạn muốn nhớ nội dung đã học, việc ôn bài nhiều lần là cực kỳ quan trọng.
Một yếu tố cần lưu ý ở đây là thời điểm ôn tập. Nhiều khi chúng ta cảm thấy rằng mình quên bay quên biến mất những gì vừa mới học, nhưng thực ra kiến thức đó chưa hẳn đã biến mất hoàn toàn khỏi bộ não.
Người ta cho rằng, với các thông tin tiếp nhận được, hồi hải mã sẽ dành ra 1 tháng để sắp xếp thông tin trong não, nên trước hết, chìa khóa để ghi nhớ lâu là bạn hãy ôn tập nhiều lần trong vòng 1 tháng.
Cụ thể, lấy ví dụ của chính bản thân tôi, khi học một nội dung mới, tôi sẽ ôn lại ngay trong vòng 24 giờ đầu tiên → ôn lần 2 sau 1 tuần → ôn lần 3 sau 2 tuần và sau 1 tháng đầu tiên, thường là tôi sẽ hoàn thành 5 lần ôn tập. Khi làm được như vậy, tôi cảm thấy mình nhớ được tới 80~90% kiến thức trong tài liệu, đặc biệt là cảm giác rất yên tâm và tự tin.
Ngoài ra, có 2 điểm cần lưu ý khi ôn tập:
- Lặp đi lặp lại cùng một nội dung: mỗi lần ôn tập, bạn không nên thay đổi tài liệu hay thêm thắt nội dung mới, hãy ôn lại cùng một nội dung trong cùng một tài liệu.
- Chú trọng output (thực hành, vận dụng): đừng chỉ chú trọng ôn tập kiểu input như “đọc lại”, mà hãy chủ động chú trọng thực hành, vận dụng như: “giải bài tập”, “viết ra giấy”, “chia sẻ lại với người khác”… Việc tôi viết blog, làm tài liệu chia sẻ với các bạn những kiến thức về khoa học thần kinh cũng chính là một cách output cực kỳ hữu hiệu để tôi ghi nhớ những gì mình đã học.
Chỉ cần nắm chắc và kiên trì thực hành những điều này, tôi tin rằng khả năng ghi nhớ nội dung đã học lẫn trí nhớ dài hạn của bạn sẽ được cải thiện rõ rệt.
3. Tận hưởng cảm giác dễ chịu bằng “Hạch hạnh nhân” → Tăng cường trí nhớ hơn nữa
“Hạch hạnh nhân” cũng là một bộ phận của não rất quan trọng trong việc tăng cường trí nhớ. Hạch hạnh nhân là bộ phận chi phối cảm xúc như hỷ-nộ-ái-ố, thoải mái – khó chịu, yêu – ghét.
Do hạch hạnh nhân nằm ngay sát bên hồi hải mã và chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau, nên những cảm xúc mà hạch hạnh nhân cảm thấy sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của hồi hải mã.
Theo giáo sư Taki Yasuyuki của Viện nghiên cứu Lão khoa, Đại học Tohoku (Nhật Bản), khi con người cảm thấy vui vẻ, dễ chịu, thoải mái, hoạt động của hồi hải mã sẽ được đẩy cao. Nói cách khác, nếu chúng ta học với tâm lý tích cực, vui vẻ thì chúng ta sẽ nhớ bài lâu hơn.
Để ứng dụng đặc trưng này của hạch hạnh nhân, tôi muốn giới thiệu với các bạn một phương pháp đó là “viết những cảm xúc của mình vào vở”.
Theo điều tra về cách học và cách ghi chép của các sinh viên Đại học Tokyo – những người được coi là thông minh xuất chúng, người ta phát hiện ra một điểm chung của nhiều sinh viên là thói quen ghi lại những nội dung mà mình cảm thấy thú vị trong giờ học, cho dù đó chỉ là những câu chuyện vụn vặt do thầy cô kể, hoặc những thông tin không liên quan tới bài kiểm tra đi chăng nữa. Khi làm như vậy, về sau khi xem lại vở, họ sẽ có thể dựa vào những thông tin đó để gợi lại cảm xúc và tái hiện nội dung bài học, giúp ghi nhớ lâu hơn.
Cách này không chỉ hữu ích khi bạn nghe giảng trên lớp hoặc nghe seminar, mà còn rất có tác dụng khi đọc sách. Trong khi đọc sách, nếu thấy đoạn nào hay, thú vị thì hãy ghi lại vào vở, chúng sẽ trở thành những đầu mối quan trọng giúp bạn dễ dàng nhớ được nội dung cuốn sách.
4. Hình dung ra các bước cần làm để kích hoạt “Thể vân” → Tạo động lực
Chắc bạn đã không ít lần ngồi vào bàn mà mãi vẫn chẳng có hứng học… Những lúc như vậy hãy kích hoạt “thể vân”. Thể vân là bộ phận phụ trách động lực. Khi thể vân được kích hoạt, con người sẽ trở nên hào hứng hành động hơn.
Theo các nhà khoa học, thể vân hoạt hóa mạnh mẽ khi hành động và phần thưởng được liên kết với nhau. Ví dụ, “nếu học và bổ sung thêm các kỹ năng, mình sẽ có thể được làm công việc mình thích hơn bây giờ” – khi bạn hình dung cụ thể những lợi ích của việc học, thể vân sẽ được kích thích.
Tuy vậy, thực tế là vẫn có nhiều việc mà chúng ta thực sự không muốn làm, và buộc phải tìm kiếm động lực thì mới bắt tay vào được. Những lúc như vậy, bạn hãy hình dung cụ thể từng bước hành động cần làm tiếp theo. Lưu ý là phải cực kỳ chi tiết, cụ thể đến từng hành động nhỏ nhất.
Ví dụ: “Bây giờ mình sẽ ngồi dậy khỏi giường, pha cà phê và uống. Rồi mình ngồi xuống ghế, mở vở ra.”
Hãy hình dung cụ thể một loạt các bước bạn sẽ làm tiếp theo như trên. Lý do là vì thể vân cũng liên quan tới kiểm soát hành động. Việc truyền hiệu lệnh tới các cơ và lập kế hoạch cử động cơ thể khiến thể vân được kích hoạt.
Một mẹo nhỏ ở đây nữa là bạn hãy thử cho thêm các trạng từ mô tả hành động.
Tiếp tục với ví dụ trên: “Bây giờ mình sẽ ngồi dậy khỏi giường ngay lập tức, pha cà phê thật nhanh và uống một hớp ngon lành. Rồi mình vào ghế yên vị, thoắt cái mở vở ra.”
Bạn có cảm giác là khi đọc câu trên, chính bạn cũng thấy việc hành động trở nên dễ dàng và hào hứng hơn đúng không? Đó là bởi vì những hành động đã được miêu tả cực kỳ cụ thể, khiến não trở nên năng động hơn. “Cái gì càng rõ ràng thì càng dễ dàng”. Hãy ghi nhớ câu thần chú này bạn nhé!
Tổng kết
Như vậy trong bài này, Khóa học não bộ đã giới thiệu với các bạn 4 bộ phận trong bộ não cực kỳ quan trọng với việc học. Cách Nâng Cao Năng Lực Học Tập mà bạn có thể thực thi ngay là áp dụng những đặc trưng này để biến chúng thành đồng minh đắc lực, giúp cho việc học của bạn trở nên vui vẻ và dễ dàng hơn nhé!
- Kích hoạt “vỏ não trước trán” bằng cách đọc thành tiếng và tính nhẩm → Cải thiện năng suất của bộ não
- Ôn tập nhiều lần để gửi thông tin liên tục tới “Hồi hải mã” → Cải thiện trí nhớ
- Tận hưởng cảm giác dễ chịu bằng “Hạch hạnh nhân” → Tăng cường trí nhớ hơn nữa
- Hình dung ra các bước cần làm để kích hoạt “Thể vân” → Tạo động lực