Rõ ràng bạn đã nạp rất nhiều kiến thức, kỹ năng nhằm tăng khả năng kiếm tiền với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn trong công việc. Thế nhưng, lương và kết quả thực tế lại không hề tăng lên. Thậm chí, tiền bỏ ra để đi học rất nhiều, nhưng mãi vẫn chưa “thu hồi vốn”… Bạn có bắt gặp hình ảnh của chính mình trong trường hợp này?
Tôi để ý thấy xung quanh mình có không ít người buồn phiền về điều này. Những người như vậy nếu không xem lại phương pháp học từ trước đến giờ của bản thân, sẽ rất khó để biến kiến thức thành khả năng kiếm tiền.
Vì vậy, trong blog này, tôi sẽ giải thích về 3 bước học giúp bạn nâng cao khả năng kiếm tiền.
Đặc Trưng Của Những Người Học Nhiều Nhưng Không Ra Tiền – Khả năng kiếm tiền yếu
Những người khi đi làm không thể biến kiến thức thành năng lực giúp tăng khả năng kiếm tiền thường có 2 đặc điểm.
Thứ nhất, họ “không suy nghĩ về việc tương lai mình muốn trở thành nhân vật như thế nào”. Chính xác và cụ thể hơn là họ không biết được bản thân muốn hướng tới gì trong sự nghiệp, không gắn được kế hoạch phát triển sự nghiệp (career management) với kế hoạch quản lý học tập “cần học những gì để thực hiện được tương lai mong muốn” (learning management).
Ví dụ, một người làm chuyên về marketing nhưng lấy thêm bằng kế toán với suy nghĩ “cứ học cho biết”, thì cũng hầu như không có dịp ứng dụng kiến thức đó trong thực tế.
Nếu bạn chưa từng suy nghĩ nghiêm túc về việc sau này mình muốn trở thành người như thế nào trong công việc, muốn đạt được những gì, muốn được công nhận về điều gì, mà bạn lấy các chứng chỉ chỉ để “phòng thân” thì khả năng cao là những tấm bằng đó sẽ trở thành giấy vụn.
Thứ hai, họ chỉ “học bằng cách input (nạp vào) là chính”. Có nhiều người lấy hết chứng chỉ này đến chứng chỉ khác một cách vô tội vạ và thiếu kế hoạch. Một phần nguyên nhân là do họ vẫn đặt nặng việc học chủ yếu qua ghi nhớ để làm bài thi viết không khác gì thời đi học.
Tuy nhiên, khi đã đi làm, mục đích của việc học không phải là “đã học thuộc”, “đi thi giành điểm cao”, cho nên nếu chỉ nạp kiến thức vào thôi thì cũng không thể tạo ra kết quả được.
Nếu bạn thấy mình có 2 đặc điểm này, hãy áp dụng 3 bước sau để biến việc học thực sự giúp ích cho việc kiếm tiền của bạn. Hãy biến nó thành năng lực giúp tăng khả năng kiếm tiền.
Bước 1: Lập mục tiêu 3 năm và 10 năm
Bước đầu tiên để nâng cao năng lực kiếm tiền là suy nghĩ nghiêm túc về mục tiêu dài hạn 10 năm và mục tiêu trung hạn 3 năm. Khi làm được điều này, bạn sẽ xác định được rõ ràng “thứ mình chuẩn bị học liệu có thực sự cần thiết cho tương lai của mình không?”
Xác định được mục tiêu trung hạn và dài hạn cũng giúp bạn dễ dàng lập được kế hoạch học tập cụ thể. Các bước như sau:
- Hình dung bạn muốn trở thành người như thế nào sau 10 năm
- Để trở thành như vậy, lập mục tiêu trung hạn sau 3 năm bạn cần trở thành nhân tài như thế nào
- Để thực hiện mục tiêu trung hạn đó, trước hết 1 năm đầu tiên bạn cần làm gì
Ví dụ, nếu đang là một nhân viên sale, bạn có thể đặt mục tiêu 10 năm sau mình sẽ trở thành Giám đốc Kinh doanh trong công ty. Tiếp theo, hãy thử suy nghĩ về mục tiêu của 3 năm sau có bao gồm cả con số cụ thể như: “mình sẽ trở thành Trưởng phòng Kinh doanh với thu nhập ~ triệu/tháng”. Đến đây, hãy chuyển sang bước tiếp theo để có những hành động cụ thể trong 1 năm đầu tiên giúp bạn đạt được mục tiêu trung hạn.
Bước 2: Tập trung phạm vi học tập trong các lĩnh vực cần thiết cho tương lai
Đây là giai đoạn bạn sẽ lập kế hoạch học tập cụ thể. Để quyết định nội dung bạn sẽ học trong 1 năm tới, hãy thu hẹp phạm vi học tập. Một cách rất hữu hiệu là bạn hãy lập “Bản đồ thông tin” giúp lựa chọn nội dung học cần thiết. Trong bản đồ thông tin này, bạn hãy viết cả những cách thức học cụ thể, ví dụ như “đọc cuốn ABC”, “tham gia khóa học XYZ của …”
Nếu là người làm về digital marketing, bản đồ thông tin có thể như sau:

Một điều quan trọng cần lưu ý ở đây là “kế hoạch trở thành số 1 trong lĩnh vực nào đó”. Có nhiều người học cùng lúc nhiều nội dung như “vừa đọc sách về kỹ thuật viết content, vừa tham gia khóa học Google Adwords, để trở thành digital marketer hàng đầu”. Và có thể chính bạn cũng sẽ hình dung ra đủ thứ muốn học khi bạn ngồi lập kế hoạch học tập. Tuy nhiên, việc học một cách ôm đồm sẽ không giúp bạn cải thiện khả năng kiếm tiền được.
Lý do là vì người cái gì cũng làm được một cách trung bình sẽ dễ bị coi là người có thể dễ dàng thay thế trong công ty. Để trở thành người có năng lực kiếm tiền giỏi, bạn cần nhắm đến trở thành người “không thể thay thế trong tổ chức”, bằng cách trở thành số 1 trong lĩnh vực nào đó có liên quan đến tầm nhìn tương lai của bạn.
Để làm điều này, về cơ bản, bạn chỉ nên học một thứ tại mỗi thời điểm. Ví dụ, nếu là người “khá thích viết lách”, hãy bắt đầu với việc hoàn thiện kỹ năng viết content. Nếu muốn trau dồi kỹ thuật SEO, hãy làm điều đó sau khi bạn đã trở nên tự tin với khả năng viết content của mình.
Một lưu ý nữa đó là chúng ta không nên đặt mục tiêu trở thành chuyên gia số 1 trong ngành ngay lập tức. Trước hết, hãy phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong nhóm, trong công ty – hãy chọn cho mình những thế giới nhỏ để bắt đầu khẳng định năng lực.
Ngoài ra, việc giới hạn phạm vi học tập cũng rất hữu ích xét từ quan điểm khoa học thần kinh. Theo bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh Tsukiyama Takashi, “não không thể phát huy sức mạnh khi quá tự do, đặt ra giới hạn sẽ giúp động lực học tập được nâng cao hơn”.
Bước 3: Thực hành trong thực tế
Bước cuối cùng cũng là bước quan trọng nhất “output – thực hành” để giúp bạn nâng cao khả năng kiếm tiền.
Dù bạn có lập kế hoạch học tập chi tiết đến mấy, nhưng nếu chỉ nạp thông tin bằng cách đọc sách, tham gia khóa học mà không có hành động thực tế thì chắc chắn thu nhập của bạn cũng không thể tăng lên được.
Ví dụ đơn giản, bạn đọc sách và tham gia khóa học dạy viết content, nhưng bạn không hề thực hành viết một bài nào, liệu kỹ thuật viết của bạn có cải thiện được không?
Bạn tham gia khóa học dạy chạy quảng cáo Facebook, nhưng bạn không thực hiện một chiến dịch quảng cáo nào thì liệu bạn có đo lường được hiệu quả thực tế không?
Bạn đi học về kỹ năng thuyết trình, nhưng lại từ chối mọi cơ hội nói trước đám đông, liệu bạn có thể nói hay nói tốt được?
Để ứng dụng kiến thức đã học vào công việc và tạo ra kết quả, bạn nên ghi chép lại những nội dung hoặc bài học thu được sau khi thực hành trong thực tế. Khi đọc lại chúng, chắc chắn bạn sẽ chú ý hơn và hạn chế việc lặp lại cùng một sai lầm.
Bảng ghi chép trong ví dụ trên gồm có 5 mục, trong đó có 3 nội dung quan trọng nhất là “đã làm gì” “với ai” “kết quả như nào”. Nội dung chỉ cần ngắn gọn, dễ hiểu. Ở phần “Bài học cho lần sau”, hãy ghi lại những phản hồi, lời khuyên mà bạn nhận được.
Điều đặc biệt quan trọng là tâm thế “ứng dụng ngay lập tức những gì vừa học vào công việc”. Đừng đợi đến lúc học xong hoàn hảo mới bắt tay vào thực hành, ngay khi bạn vừa mới bắt đầu học, hãy nghĩ về những tình huống mình có thể output kiến thức.
Ví dụ, bản thân tôi khi học về khoa học thần kinh, đã tổ chức những buổi chia sẻ về sức mạnh của bộ não với mọi người xung quanh, cả online lẫn offline. Ngay sau khi lấy chứng chỉ Brain Analyst của Hiệp hội Brain Analyst Nhật Bản, tôi đã viết ngay một ebook nhỏ “5 bí mật của bộ não giúp bạn tài giỏi và hạnh phúc hơn” để gửi cho mọi người và nhận được nhiều đóng góp rất tích cực.
Ngoài ra, tầm quan trọng của output cũng có thể được giải thích từ quan điểm của khoa học thần kinh. Theo bác sĩ khoa thần kinh Kabasawa Shion, những thông tin nạp vào bằng input được gọi là “trí nhớ ý nghĩa”, có đặc điểm khó nhớ và nhanh quên. Output là hoạt động không thể thiếu để chúng ta không quên những gì đã học được.
TỔNG KẾT
Những ai đang buồn phiền vì mình học mãi mà không ra tiền, gạo không nấu được thành cơm thì nên bắt đầu từ việc xác định bản thân thật sự muốn làm gì, tương lai muốn trở nên như thế nào và học một cách có kế hoạch. Sau đó, tích cực thực hành những gì đã học một cách kiên trì nhất định sẽ giúp bạn nâng cao được “năng lực kiếm tiền” của bản thân.