Tình yêu là gì mà làm người điên điên say say đến thế? Tuy Xuân Diệu đã viết “làm sao cắt nghĩa được tình yêu”, nhưng ở bài này, mình sẽ giải mã những bí ẩn của tình yêu theo khoa học thần kinh. Tại sao chúng ta lại có những phản ứng “không kiểm soát nổi”, sao lại có những đêm mất ngủ, sao lại hành động bất chấp nỗi sợ hãi… – những điều này sẽ được giải đáp khi phân tích bộ não của những người đang yêu.

Theo khóa học thần kinh Tại Sao Con Người Lại Yêu ?
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình lại thích một ai đó? Sự hấp dẫn về ngoại hình, sự ngưỡng mộ về tài năng, sự thú vị trong tính cách, sự đồng điệu trong suy nghĩ, sự phù hợp về hoàn cảnh, hoặc đôi khi chỉ là “uống nhầm một ánh mắt” hay “thương thầm một nụ cười”… Bạn có thể kể ra, nhưng về mặt khoa học thần kinh, người ta vẫn chưa thực sự làm sáng tỏ được lý do tại sao chúng ta lại thích một ai đó giữa rất nhiều người khác.
Tuy nhiên, về mặt sinh học, cảm giác thấy tim mình rung động, bồn chồn, và những phản ứng “không giống bình thường” trước một ai đó là do những hormone và nội tiết tố trong não tác động sản sinh ra.
Nói một cách dễ hiểu, trạng thái khi yêu rất giống với trạng thái khi chúng ta dùng chất kích thích. Khi đó, trong não và trong cơ thể sản sinh ra các chất làm trạng thái tinh thần biến đổi, cách nhìn nhận sự việc và lời nói, hành động của chúng ta cũng trở nên khác với mọi khi. Vậy chính xác là khi gặp người đặc biệt ấy, chúng ta bị những hormone nào tác động, theo cơ chế ra sao? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
- Dopamine: còn được gọi là “hormone hạnh phúc”. Cảm giác hưng phấn, niềm hạnh phúc ngập tràn trong tình yêu chính là do tác dụng của dopamine. Tuy nhiên, tác dụng này lại là con dao hai lưỡi. Dopamine còn được biết đến là hormone phần thưởng, tiết ra khi chúng ta đạt mục tiêu, thành công, được khen ngợi, tuy nhiên nó cũng dễ gây nghiện và tạo thành thói quen. Nếu biết cách điều khiển thì dopamine sẽ giúp tạo động lực và đóng vai trò to lớn để chúng ta hoàn thành tốt công việc, cũng như đưa tình yêu phát triển theo hướng tích cực. Còn ngược lại, ta sẽ không kiểm soát được dục vọng và gây ra những hành động không như ý muốn như lạm dụng chất kích thích. Nói cách khác, khi phải lòng một ai đó, cơ thể sẽ sinh ra chất khoái lạc này, cho dù mối quan hệ đó có đang đi đúng hướng hay không.
- Adrenaline: khi gặp một người thu hút, cơ thể sẽ sinh ra adrenaline. Đây chính là nguyên nhân của trạng thái tim đập nhanh, cổ họng khô hoặc ra mồ hôi tay. Adrenaline cũng tiết ra khi con người cảm thấy sợ hãi, căng thẳng, nên có những trường hợp, ban đầu hai người chỉ mới để ý nhau một chút thôi, nhưng sau khi cùng trải qua một sự kiện đáng sợ thì tình yêu thật sự nảy nở. Càng bị ngăn cấm tình yêu càng trở nên mãnh liệt cũng là vì vậy.
- Serotonin: một tác dụng phụ của việc dopamine tăng mạnh khi chúng ta yêu là làm giảm serotonin trong cơ thể. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh giúp điều hòa cảm xúc, duy trì tâm trạng ổn định, cân bằng, đảm bảo chất lượng giấc ngủ và cảm giác thèm ăn. Vì vậy, khi yêu, đôi khi chúng ta không thấy muốn ăn uống gì và khó ngủ hàng đêm một phần là do serotonin sụt giảm. Cơ chế giảm serotonin này cũng tương tự với hiện tượng giảm serotonin ở những người mắc chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD – Obsessive compulsive disorder). Người bị chứng OCD thấy những tư tưởng hay hình ảnh đáng lo ngại lặp lại liên tiếp có thể thúc đẩy họ phải làm đi làm lại một vài việc nào đó. Serotonin sụt giảm được cho là nguyên nhân của việc tuy chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhưng đồng thời lại trở nên bất an và có phần nhạy cảm quá mức khi yêu.
- Testosterone: còn được gọi là hormone nam tính, người có nhiều testosterone thường suy nghĩ logic, thẳng thắn, quyết đoán. Lượng testosterone thay đổi định kỳ và ảnh hưởng đến tình yêu ở cả đàn ông và phụ nữ. Khi người đàn ông ở vào thời điểm lượng testosterone tăng cao, anh ta sẽ có khuynh hướng dễ bị thu hút bởi cô gái có khuôn mặt nữ tính hơn những cô gái khác. Tương tự, khi đứng trước một người đàn ông có lượng testosterone cao, phụ nữ sẽ cảm thấy anh ta thật nam tính và hấp dẫn. Tuy nhiên, đây chỉ là ấn tượng đầu tiên và nó không kéo dài.
- Estrogen: còn được gọi là hormone nữ tính, người có nhiều estrogen thường có sức tưởng tượng và cảm xúc phong phú, sâu sắc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sức hấp dẫn của người phụ nữ bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố estrogen và chu kỳ rụng trứng. Theo một nghiên cứu, chỉ cần ngửi mùi quần áo mà người phụ nữ đã mặc trong ngày rụng trứng, lượng testosterone tiết ra trong cơ thể người đàn ông đã tăng lên rõ rệt.
Như vậy, bạn đã lý giải được tại sao chỉ cần người mình thích tiến đến lại gần thôi là đầu óc mình đã hầu như không thể suy nghĩ được gì rồi đúng không? Đó là bởi vì khi đó ở trong não, niềm vui và sự căng thẳng đang lẫn lộn và đấu tranh với nhau để giành ưu thế.
Tình yêu là mù quáng? Khi yêu, một số vùng trong não bị “tắt điện”

Có bao giờ bạn thấy mình hành động thật điên rồ trong tình yêu? Hoặc có thể bạn đã chứng kiến ai đó xung quanh làm những chuyện “không thể tưởng tượng nổi” vì “nghe theo tiếng gọi của trái tim”. Bạn không thể lý giải được tại sao lại có những người sẵn sàng mạo hiểm cuộc hôn nhân, gia đình và cả sự nghiệp của họ vì một thứ giống như “cơn say nắng”.
Tuy nhiên, khoảng 1 thập kỷ trước, các bác sĩ và các nhà khoa học đã bắt đầu giải mã bí ẩn tại sao tình yêu có thể khiến chúng ta phù phiếm, phi lý trí, thậm chí là lố bịch.
Khi sử dụng MRI (chụp cộng hưởng từ) để phân tích hình ảnh bộ não của những người đang yêu, người ta đã khám phá ra rằng, bên cạnh một số bộ phận được hoạt hóa mạnh hơn, thì một số bộ phận liên quan đến phán đoán và nỗi sợ lại bị “tạm dừng hoạt động”.
Vùng thùy trán thuộc vỏ đại não là bộ phận quan trọng đóng vai trò đưa ra phán đoán, quyết định, lựa chọn hành động. Kết quả scan MRI cho thấy, khi người tham gia thí nghiệm được cho xem bức ảnh của người mình yêu, thì vùng thùy trán này bị tê liệt, toàn bộ chức năng liên quan đến nghi ngờ, phê phán đều ngừng hoạt động.
Đồng thời, hạch hạnh nhân – vùng cảm nhận nỗi sợ hãi và vỏ thái dương giữa – vùng kiểm soát cảm xúc tiêu cực cũng bị “tắt điện”. Điều này lý giải cho việc tại sao khi yêu, con người chìm đắm trong hạnh phúc và trở nên “bất chấp”, không lo sợ về tình hình xung quanh diễn biến xấu.
Hình trên thể hiện những bộ phận trong não bị vô hiệu hóa khi chúng ta yêu, trong đó ① là hạch hạnh nhân – kiểm soát nỗi sợ hãi, ② là vỏ thái dương giữa – kiểm soát cảm xúc tiêu cực, ③ là thùy trán – kiểm soát phán đoán, quyết định, ④ là hồi đai sau – kiểm soát sự đồng cảm.
Làm thế nào để không đưa ra những phán đoán sai lầm trong tình yêu?
Tuy cảm xúc lấn át khiến khả năng phán đoán bị suy giảm, nhưng vẫn có cách để chúng ta đưa ra những phán đoán hợp lý trong khả năng có thể. Trước hết, bạn hãy tự dặn mình rằng sự bất an, căng thẳng, lo lắng là do tinh thần chúng ta tạo ra, chứ hiện thực chưa chắc đã như vậy. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào cảm xúc của mình thì sẽ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Khả năng nhận thức cảm xúc, kiểm soát nó và đưa ra những quyết định hợp lý được gọi là trí thông minh cảm xúc. Nghiên cứu đã cho thấy, người có trí thông minh cảm xúc cao vẫn có thể đưa ra phán đoán bình tĩnh ngay cả trong những tình huống phải đối mặt với stress có thể dẫn đến bùng nổ cảm xúc. Nghiên cứu của Đại học Yale nói rằng trí thông minh cảm xúc có ảnh hưởng vô cùng lớn tới khả năng ra quyết định.
Những người tham gia thí nghiệm trước hết được yêu cầu phải thuyết trình bất ngờ không có sự chuẩn bị trước, mục đích để khiến họ cảm thấy căng thẳng. Sau đó, người ta hỏi họ có đăng ký khám cảm cúm hay không.
Kết quả cho thấy, những người có trí thông minh cảm xúc cao có khả năng nhận thức được rằng việc cảm thấy căng thẳng là do tác động bên ngoài có chủ đích và nó không liên quan tới quyết định có đi khám bác sĩ hay không.
Tỷ lệ những người đã trả lời tham gia khám sức khỏe như sau: chỉ 7% trong số những người có trí thông minh cảm xúc thấp trả lời có, còn tỷ lệ của những người có trí thông minh cảm xúc cao lên tới 66%.
Trí thông minh cảm xúc, cũng giống như trí thông minh bình thường, có thể được nâng cao bằng rèn luyện và cải thiện theo thời gian. Một số kỹ năng cơ bản quan trọng giúp nâng cao trí thông minh cảm xúc gồm có:
- Xác định, giải tỏa nguyên nhân gây stress tại từng thời điểm: bước đầu tiên để đối phó với stress là bạn cần xác định nguyên nhân của nó và hiểu rằng stress là dấu hiệu của sự khao khát trưởng thành và phát triển. Chính vì bạn biết rằng mình có thể làm tốt hơn, mình có thể cải thiện tình hình hơn, nhưng hiện tại chưa được như vậy nên bạn mới bị stress. Hãy thử thiền chánh niệm mindfulness bằng cách tập trung ý thức và mọi giác quan vào hơi thở, cảm nhận cơ thể ở thời khắc hiện tại. Chỉ cần 3 phút thôi là bạn đã thấy tâm trí sáng rõ hơn và sự căng thẳng được xoa dịu đi rất nhiều.
- Nhận thức những cảm xúc đang đè nặng tinh thần và tìm cách buông bỏ: Khả năng tự kiểm soát cảm xúc không chỉ có tác dụng đối với kiểm soát cơn giận dữ, mà còn giúp chúng ta không bị chi phối một cách tiêu cực bởi tình yêu. Khi cảm thấy bản thân đang không thoải mái, bạn hãy thử gọi tên và mô tả bằng từ ngữ cụ thể bạn đang có tâm trạng như thế nào, cho phép mình nói ra hoặc viết ra những cảm xúc tiêu cực. Sau đó, hãy gột rửa trái tim bằng cách buông bỏ những điều tiêu cực, chấp nhận chính bản thân bạn, tập trung tình yêu và sự tin tưởng vào chính mình, tin rằng mình đủ bao dung và vị tha. Như vậy, bạn sẽ không có những lời nói và hành động gây tổn thương cho chính mình và người yêu của mình nữa.
- Học cách giao tiếp phi ngôn ngữ: Ngay cả khi không nói thành lời, con người vẫn liên tục phát đi những thông điệp nào đó. Nếu nắm bắt và đọc được những tín hiệu tinh tế đó, chúng ta sẽ có thể phán đoán tình huống chính xác hơn và đưa ra những quyết định tốt hơn cho cả 2 bên.
- Học cách giao tiếp hài hước và giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng: chúng ta không cần phải trở thành diễn viên hài, nhưng chắc chắn yếu tố hài hước sẽ cực kỳ có ích trong giao tiếp. Người yêu của bạn cũng sẽ tự hào và đánh giá cao khi thấy bạn thú vị và cư xử khéo léo.
- Giải quyết tranh chấp một cách khéo léo: Có sự khác biệt lớn giữa việc tranh giành với người khác và việc giải quyết vấn đề. Hãy xác định kết quả bạn thực sự mong muốn trong chuyện này là gì, có nhất thiết phải làm tổn thương và gây thiệt hại cho đối phương hay không, và học cách giải quyết sao cho đôi bên cùng đạt được mong muốn của mình mà không cần phải cãi vã, thậm chí là kiện tụng hay “đổ máu”.
Tổng kết
Như vậy, mình đã giải thích những gì xảy ra trong bộ não khi chúng ta yêu, tại sao tình yêu lại làm con người mù quáng, và làm thế nào để không bị ảnh hưởng một cách tiêu cực bởi những cơn bốc đồng của cảm xúc.
5 hormone tác động đến não bộ khi yêu:
- Dopamine
- Adrenaline
- Serotonin
- Testosterone
- Estrogen
Những bộ phận trong não bị “vô hiệu” khi yêu
- Hạch hạnh nhân
- Vỏ thái dương giữa
- Thùy trán
- Hồi đai sau
Những cách giúp chúng ta đưa ra phán đoán hợp lý trong tình yêu
- Xác định, giải tỏa nguyên nhân gây stress tại từng thời điểm
- Nhận thức những cảm xúc đang đè nặng tinh thần và tìm cách buông bỏ
- Học cách giao tiếp phi ngôn ngữ
- Học cách giao tiếp hài hước và giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng
- Giải quyết tranh chấp một cách khéo léo