Tôi muốn đánh thức tiềm năng trong tôi! Nhưng khoăn,
Theo bạn, “tiềm năng” là gì?
Tại Khoahocnaobo, chúng tôi định nghĩa “tiềm năng” là hy vọng trong tương lai.
Ví dụ, bạn đang nợ 10 tỷ (hoặc một con số mà bạn nghĩ là quá lớn, không biết bao giờ mới trả nổi), và bạn cảm thấy tuyệt vọng. Cảm giác tuyệt vọng đó là vì bạn không tin rằng mình có khả năng trả nợ và không tin rằng cuộc đời bạn sẽ tốt đẹp hơn. Có những trường hợp người ta tìm đến cái chết là vì không nhìn thấy tia hy vọng nào cả.
Thế nhưng, giả sử, bạn biết chắc chắn rằng sau 1 tháng nữa, khoản tiền 20 tỷ sẽ được chuyển vào tài khoản của bạn. Bạn có thấy tuyệt vọng nữa không? Bạn chỉ cần chịu đựng thêm 1 tháng. Bạn có hy vọng. Chính hy vọng vào tương lai đó khiến bạn có thể sống tiếp, làm việc tiếp, hoặc bắt đầu lại, thử những cái mới. Và tôi gọi đây là “tiềm năng”.
“Tiềm năng” đến từ đâu?
Câu trả lời là bộ não.
Logic như thế này:
Tiềm năng là hy vọng trong tương lai. Có tiềm năng là nhìn thấy/nghĩ/tin rằng tương lai sẽ khác hơn, mới hơn, tốt hơn hiện tại. Nhìn thấy/nghĩ/tin là hoạt động được chỉ huy bởi bộ não.
Rất đơn giản phải không? Tiếp theo, bạn cần phải biết lý do mình cần đánh thức tiềm năng.
Tại sao bạn muốn “đánh thức tiềm năng”?
Bạn “đánh thức tiềm năng” để làm gì?
Tôi đặt câu hỏi này bởi vì câu hỏi “tại sao” giúp chúng ta đào sâu, tìm ra động cơ, mục đích thực sự.
Hơn nữa, chúng ta thường bị thu hút bởi những cụm từ nghe “kêu kêu”, có vẻ “bí ẩn”, “to tát” nhưng đồng thời đó lại cũng là những từ mơ hồ, mang tính chất “câu view” (vì vậy tôi mới lấy nó để đặt tên cho bài viết, vì tôi thực sự muốn bạn đọc được), khiến người ta xa rời bản chất vấn đề hoặc rơi vào trạng thái “muốn hiểu thế nào cũng được” (bạn yên tâm, tôi đang và sẽ viết những điều bản chất, đừng giận vì tôi đã “câu view” :D).

Theo cách hiểu của tôi, bạn muốn “đánh thức tiềm năng” nghĩa là bạn muốn phát triển. Bạn muốn phát triển nghĩa là bạn muốn cuộc sống tốt hơn, vui hơn, nhiều tiền hơn, ý nghĩa hơn, đáng nhớ hơn. Bạn muốn mãn nguyện với cuộc đời mình, hài lòng với những gì mình đang có, đang làm.
Cụ thể hơn, để làm được điều đó, chúng ta cần cải thiện và phát triển 4 khía cạnh sau:
- Sức khỏe (thể chất + tinh thần)
- Công việc/kinh tế (tiền, thu nhập)
- Các mối quan hệ (gia đình + xã hội)
- Năng lực bản thân
Khi có ít nhất 1 trong 4 yếu tố trên, chúng ta mới có thể đóng góp và cống hiến cho người khác – điều khiến cuộc sống của chúng ta ý nghĩa hơn một (vài) bậc.
Như vậy, tôi đã giải thích “tiềm năng” là gì, “đánh thức tiềm năng” cụ thể là làm gì một cách thực tế.
Tiếp theo, chúng ta hãy cùng đi vào cụ thể từng khía cạnh nhé.
Đánh thức tiềm năng sức khỏe
Nhiều học viên đến với khóa học “Brain Activation Training” của tôi mang phiền não về sức khỏe (đặc biệt là sức khỏe tinh thần). Sau một quá trình lắng nghe và tìm hiểu, tôi đã tìm ra được điểm khác nhau giữa “người sẽ trở nên khỏe mạnh” và “người khó cải thiện tình trạng sức khỏe”.
Sự khác biệt đó nằm ở “sự kiên trì”.
Rất đơn giản, nhưng người làm gì cũng kiên trì là người có thể cải thiện sức khỏe, và người không thể duy trì sẽ có xu hướng làm tình hình nặng hơn.
Tiếp nữa, sự khác biệt bản chất giữa 2 đối tượng này là mức độ thấu hiểu tầm quan trọng của những thứ cần thiết.
Người hiểu được rằng để khỏe mạnh thì cần phải xây dựng và duy trì những thói quen tốt cho cơ thể và thực tế làm những điều đó trong cuộc sống là người sẽ phục hồi và cải thiện được sức khỏe.
Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta cần đến “lý trí” để lựa chọn và duy trì những điều đúng và tốt cho sức khỏe.

Bộ phận phụ trách “lý trí” trong não là “vỏ não trước trán”. Khi vỏ não trước trán hoạt động tốt, bạn sẽ có thể lựa chọn và ra quyết định phù hợp với mục tiêu, không chỉ đối với sức khỏe, mà các lĩnh vực khác nữa.
Đánh thức tiềm năng kinh tế
Nghe thật to tát (lại nữa rồi), nhưng chúng ta sẽ cùng hiểu khía cạnh này theo cách đơn giản hết sức có thể.
Hãy hiểu là chúng ta muốn có nhiều tiền hơn. Câu hỏi đặt ra là “làm thế nào?”
Hiện nay có nhiều hình thức thu nhập. Ví dụ, thu nhập từ lương, thu nhập từ bán sản phẩm/dịch vụ, thu nhập từ đầu tư (chứng khoán, crypto, vàng, bất động sản…), thu nhập từ bản quyền,…
Trước hết, hãy bàn đến 2 nguồn thu nhập phổ biến nhất – thu nhập từ lương và thu nhập từ bán sản phẩm/dịch vụ.
Để gia tăng 2 thu nhập này, chúng ta cần trả lời được: ai trả tiền cho chúng ta?
Chính là ông chủ và khách hàng. Vậy thì chúng ta cần làm hài lòng 2 đối tượng này thì mới tăng thu nhập được. Khách hàng hài lòng sẽ mua thêm, mua lại, giới thiệu người khác đến với bạn. Ông chủ hài lòng sẽ thăng chức, tăng lương, thưởng cho bạn.
Nhưng để họ hài lòng, bạn cần cho họ thấy được sự “cống hiến”, “có giá trị”, hoặc ít nhất là cảm xúc tích cực.

Bộ phận trong não liên quan đến “cống hiến”, “giúp ích cho người khác” là “hồi đai”. Hồi đai hoạt động khi chúng ta gác bỏ “cái tôi” và ý thức “hỗ trợ, làm gì đó có ích cho người khác”, chứ không phải đợi người khác mang lợi ích đến cho mình.
Tóm lại, việc thoát khỏi tình trạng phụ thuộc, ỷ lại là bước đầu tiên để phát triển tiềm năng kinh tế.
Tác hại lớn nhất của sự ỷ lại là nó khiến chúng ta “không suy nghĩ nữa”. Người ỷ lại là người không thể tự suy nghĩ và quyết định.
Phần lớn những người đầu tư thua lỗ là do họ không tự mình suy nghĩ, tìm hiểu, xác nhận mà đầu tư theo kiểu “ai xui gì thì mua nấy”. Những người khởi nghiệp thất bại cũng có thể nói là có xu hướng phụ thuộc vào ai đó. Kiểu như “cứ giao tiền là người ta sẽ xoay sở cho”, “đồng chí A nói sẽ đưa khách về nên mình có thể yên tâm”.
Nếu muốn tăng thu nhập, bạn cần phải hiểu rằng kết quả là do bạn. Dù bạn thành công hay thất bại thì cũng không phải do người khác. Chính hành động của bạn sẽ trực tiếp tạo ra kết quả. Rất đơn giản và rõ ràng phải không?
Khi bạn tiến hành hoạt động kinh tế bằng cách tạo ra giá trị cho công ty, khách hàng, những người xung quanh và xã hội, đến cuối cùng sự cống hiến của bạn sẽ được hoàn trả bằng thu nhập gia tăng.
Không chỉ như vậy, đó là quá trình mà bạn biết ơn những người xung quanh và những người xung quanh cũng biết ơn bạn. Lòng biết ơn khiến sóng Theta hoạt động, thúc đẩy sản sinh serotonin là hormone khiến tâm trạng bình an, dễ chịu. Sự thoải mái lại khiến bạn hành động nhiều hơn, khiến acetylcholine tiết ra, bạn lại càng nảy sinh được nhiều sáng kiến. Dựa vào đó, bạn lập kế hoạch, hành động và đạt được mục tiêu, dopamine (hormone phần thưởng khiến tâm trạng phấn khích) sinh ra. Bạn lại càng tự tin, lại càng muốn hành động, lại càng đạt được nhiều hơn, và thu nhập gia tăng. Đây chính là một vòng xoáy phát triển đi lên.
Đánh thức tiềm năng mối quan hệ
Từ kinh nghiệm làm việc với khách hàng, tôi có thể khẳng định, phần lớn stress của chúng ta đến từ các mối quan hệ.
Khi nhắc đến cải thiện mối quan hệ, bạn có thể nghĩ ngay đến nâng cao năng lực giao tiếp, những kỹ thuật “đọc vị đối phương”, rồi làm thế nào để “nói hay”.
Tuy nhiên, đây là một thực tế: khi bạn đang ở trạng thái tinh thần bất ổn, “muốn bùng nổ” hoặc “kìm nén quá nhiều”, thì dù bạn có dùng kỹ thuật giao tiếp gì đi chăng nữa, cũng không có hiệu quả.
Bạn hãy hiểu rằng, để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, trước hết bạn cần ổn định tinh thần của mình đã. Nếu không, trạng thái đó sẽ biểu hiện ngay trên gương mặt và thái độ của bạn, đối phương có thể đọc được và sẽ thấy bạn khó gần gũi. Một vài lần thì có thể không sao, nhưng không ai muốn gắn bó với một người mang lại sự không thoải mái trong suốt thời gian dài cả.
Tôi đã viết khá kỹ về nội dung “giải tỏa stress” trong bài “Cách xả stress toàn tập – Xử lý stress tận gốc từ A->Z”. Bạn hãy đọc thêm để cải thiện trạng thái tinh thần của mình, trước khi bắt tay vào nâng cao chất lượng mối quan hệ nhé!

Tiếp theo, tôi sẽ nói về làm thế nào để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Yếu tố cốt lõi đầu tiên để tạo dựng mối quan hệ tốt hơn với ai đó, nằm ở việc bạn xác định rõ rằng bạn muốn xây dựng mối quan hệ như thế nào với người đó. Nếu bạn không rõ ràng về điều này, thì khi rắc rối giữa 2 người xảy ra, bạn sẽ chỉ xử lý “cho qua chuyện” chứ không giải quyết được vấn đề thực sự.
Mình muốn xây dựng mối quan hệ như thế nào với A?
Mình muốn xây dựng mối quan hệ như thế nào với B?
Bằng việc tự hỏi mình câu hỏi này, vỏ trước trán giữa sẽ được kích thích, bạn sẽ có thể bình tĩnh xem xét lại mối quan hệ giữa bạn và đối phương.
Ví dụ, bạn xác định rằng bạn muốn có mối quan hệ “không thân thiết cũng không lạnh nhạt, giữ khoảng cách vừa phải” với Yến – đồng nghiệp. Vậy thì khi đó, chỉ cần chào hỏi bình thường và trao đổi liên quan đến công việc, về cơ bản là cùng hoàn thành nhiệm vụ, thì bạn sẽ không phải phiền não gì trong mối quan hệ với Yến.
Nhưng nếu bạn không xác định được bạn muốn có mối quan hệ như thế nào và sẽ cư xử như thế nào với Yến, thì chỉ cần Yến có thái độ khó chịu, hoặc vẻ mặt buồn rầu, là bạn sẽ chột dạ “hay mình làm gì sai?” rồi cứ băn khoăn mãi.
Ví dụ khác, bạn xác định rằng bạn muốn có mối quan hệ thân thiết, sâu sắc, có thể chia sẻ mọi vui buồn với Huệ. Vậy thì giả sử hiện tại mối quan hệ chưa được như vậy, bạn sẽ điều chỉnh và nỗ lực hơn.
Phần lớn những mối quan hệ bạn bè, người yêu, vợ chồng không trở nên tốt hơn là vì ngay từ đầu, chúng ta không xác định được mình muốn có mối quan hệ như thế nào với họ.
Tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu với bạn một “Kỹ thuật tâm trí” giúp xác định khoảng cách phù hợp với đối phương, gọi là “Relationship Evaluation List” – Danh sách đánh giá mối quan hệ. Hãy phân loại các mối quan hệ của bạn theo 5 nhóm sau:
5 ………. Người rất quan trọng
4 ………. Người tương đối quan trọng
3 ………. Bình thường
2 ………. Nếu có thể thì không muốn liên quan
1 ………. Tuyệt đối không muốn liên quan
Khi bạn có thể đánh giá các mối quan hệ xung quanh theo tiêu chuẩn 5 bậc như này, bạn sẽ rõ ràng hơn về khoảng cách hợp lý với đối phương và những căng thẳng do mối quan hệ cũng sẽ giảm nhẹ.
Chưa dừng lại ở đó, hãy tiếp tục đánh giá về mối quan hệ với những người bạn xếp hạng 4 và 5. Bạn hãy chuẩn bị giấy bút, viết xuống bạn muốn xây dựng mối quan hệ như thế nào với họ từ nay về sau.
Vì đây là những người bạn xác định là quan trọng, nên hãy nghĩ tới từng người một, suy nghĩ thật kỹ và viết ra những điều bạn thực sự mong muốn. Ở bước này, đừng quá quan trọng việc bạn có làm được điều đó hay không. Hãy tập trung vào điều bạn muốn.
Bài tập này giúp kích thích vỏ trước trán giữa của não – bộ phận phụ trách suy nghĩ, lập kế hoạch, đồng cảm, mục tiêu tương lai.
Cuối cùng, hãy đọc lại những gì bạn vừa viết. Nếu thực tế mối quan hệ với người đó đã được như mong muốn của bạn rồi thì thật sự tuyệt vời, còn nếu như chưa thì mình nỗ lực cải thiện. Ít nhất thì bây giờ bạn đã biết được bạn muốn như thế nào, bạn sẽ dễ hành động hơn.
Về chủ đề mối quan hệ, tôi có câu chuyện thật muốn chia sẻ thêm với bạn. Tôi có một người chị mà tôi coi như người thầy về cách sống. Chị rất thành công, tài giỏi, giàu có, hạnh phúc. Trong mối quan hệ của chị có rất nhiều người là những nhân vật lớn, tầm cỡ. Chị từng tuyên bố: “không có ai là chị không làm việc cùng được”. Và sự thật đúng là như vậy.
Mới hôm trước, chị rủ tôi đi ăn. Chị kể một số câu chuyện về cách chị khiến nhiều người “khó tính” yêu mến và giúp đỡ chị tận tâm. Trong đó, có một câu nói tôi rất nhớ: “cho người ta cái họ cần”.
Đúng là từ lúc quen chị đến giờ, tôi thấy chị cho đi liên tục. Không chỉ với những người có quyền lực và địa vị, chị còn rất hào phóng với người không có điều kiện, người gặp hoạn nạn, học sinh sinh viên – tóm lại là cả những người không mang lại lợi ích gì cho chị.
Vì mắc bệnh nghề nghiệp nên khi nói chuyện với chị, tôi cứ nghĩ “vỏ trước trán giữa” và “hồi đai” của chị chắc chắn rất phát triển (:D)
Đánh thức tiềm năng năng lực bản thân
Xét từ góc độ khoa học não bộ, một số nhà thần kinh học nhận định bí quyết để đạt được kỹ năng và sự xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó nằm ở “myelin” – một chất cách ly bọc quanh dây thần kinh.

Lý giải cho điều này như sau: kỹ năng của chúng ta, dù là chơi nhạc hay chơi thể thao, được tạo bởi các chuỗi sợi thần kinh mang một xung điện vô cùng nhỏ – về cơ bản, giống như một tín hiệu truyền trong mạch điện. Vai trò quan trọng của myelin là bọc những sợi thần kinh này, bạn cứ hình dung như lớp cách điện bằng cao su bọc lấy lõi dây đồng, giúp tín hiệu được truyền đi mạnh hơn và nhanh hơn do xung điện không bị rò rỉ ra ngoài.
Lớp myelin càng dày, nó càng cách điện tốt, và những cử động và suy nghĩ của chúng ta càng nhanh và chính xác hơn.
Nói cách khác, để đánh thức tiềm năng – phát triển những năng lực, kỹ năng bạn mong muốn, bạn cần gia tăng myelin trong não.
Trong cuốn sách tuyệt vời “Mật mã tài năng”, tác giả Daniel Coyle đã đưa ra khám phá quan trọng giúp củng cố myelin và tạo nên kỹ năng vượt trội: Luyện tập sâu.
Hãy nhớ đến câu nói: “Rèn luyện tạo ra sự hoàn hảo” (Practice makes perfect). Cơ chế đằng sau là rèn luyện giúp tạo ra myelin và myelin tạo ra sự hoàn hảo.
Sự tinh thông trong mọi lĩnh vực đều là kết quả của hàng nghìn giờ luyện tập tận tâm. Vậy cách làm điều đó như thế nào?
Đây là 3 quy tắc luyện tập sâu theo Daniel Coyle
Quy tắc 1: Hãy chia thành các phần nhỏ
Bước đầu tiên quan trọng của quy tắc này là bạn cần “cảm thụ toàn thể” trước khi chia nhỏ. Có nghĩa là dành thời gian quan sát chăm chú hoặc lắng nghe kỹ lưỡng kỹ năng mà bạn muốn đạt được – một bài thuyết trình, một bài hát, một cú đánh bóng – với tư cách đó là một thực thể đơn nhất, gắn kết chặt chẽ.
Ví dụ: kỹ năng thuyết trình. Trước khi luyện tập kỹ năng này, tôi chọn cho mình một hình mẫu để học theo, là thầy Masuda – Viện trưởng Học viện Đào tạo Tiềm Năng Nhật Bản, người đã hướng dẫn tôi trong lĩnh vực khoa học não bộ.
Liên tục nhiều tháng liền, ngày nào tôi cũng xem đi xem lại buổi thuyết trình của thầy, quan sát biểu cảm, nét mặt, ánh mắt, tông giọng, cử động tay chân, cách dẫn dắt, diễn giải và tương tác.
Rồi sau đó, tôi mô phỏng theo. Đoạn này thì biểu cảm như thế này, thấp giọng thế này…
Cho đến một lần, tôi được một giảng viên khác trong học viện nhận xét: “HA bắt đầu có nét giống thầy Masuda rồi đấy”, tôi không khỏi bật cười. Đúng là tôi đã quan sát thầy rất nhiều và đơn giản đã hấp thụ từ thầy mà tôi cũng không nhận ra.
Bước tiếp theo là hãy chia kỹ thuật tổng thể đó thành một chuỗi những phần rất nhỏ. Tại Trường Âm nhạc Meadowmount (New York) – một nơi nhỏ bé, giản dị nhưng đã đào tạo ra nhiều tài năng âm nhạc, giáo viên chia nhỏ những bản nhạc thành những phần nhỏ hết mức có thể và yêu cầu học viên luyện tập theo từng phần, mỗi phần lại được thay đổi tiết tấu liên tục để người học buộc phải thành thục với tất cả các biến thể.
Quy tắc 2: Lặp đi lặp lại
Cách đơn giản nhất để giảm kỹ năng của một tài năng thuộc bậc siêu sao (nhưng không làm tổn thương họ) là gì?
Câu trả lời: không cho họ tập luyện trong vòng 1 tháng.
Chỉ cần không kích hoạt mạch điện của một kỹ năng nào đó một cách hệ thống trong khoảng 30 ngày, kỹ năng đó sẽ biến mất.
Myelin là một tế bào sống. Giống như mọi tế bào khác trong cơ thể, nó nằm trong một chu trình liên tục của sự phá vỡ và sửa chữa. Đó là lý do tại sao việc tập luyện hàng ngày lại có vai trò quan trọng.
Quy tắc 3: Học để cảm nhận
Hiểu đơn giản là hãy luyện tập một cách chú tâm, có mục đích, cảm nhận sự kết nối giữa thể xác và tâm trí trong khi thực hiện, nhận ra và phân tích sai lầm và lỗi. Hãy quan sát sự vật lộn của chính bản thân bạn trong khi tập luyện. Cảm thấy bạn đang vươn lên, rồi lại trượt xuống, rồi lại tìm cách vươn lên.
Sự căng thẳng và mệt mỏi là một phần không thể thiếu của quá trình tập luyện sâu. Chúng ta không thể học hỏi bằng cách vượt qua khó khăn một cách suôn sẻ.
Hy vọng rằng những kiến thức Khoahocnaobo chia sẻ trong bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn cụ thể, rõ ràng hơn về “tiềm năng” và cơ chế hoạt động của bộ não giúp đánh thức tiềm năng. Hãy cho tôi biết cảm nhận của bạn và nếu có bất cứ thắc mắc gì, đừng ngại đặt câu hỏi nhé!
Bình Luận 1