- Sếp yêu cầu phát biểu ý kiến trong cuộc họp nhưng bạn không thể đưa ra được ý hay
- Muốn đề xuất kế hoạch mới mẻ nhưng chỉ nảy ra những ý tưởng “bình thường”
Chắc hẳn không ít người đã phải nhiều lần đau đầu “làm thế nào để tư duy tốt hơn nhỉ?”
Tin vui là, khả năng tư duy, cũng như nhiều kỹ năng khác, là năng lực hoàn toàn có thể được cải thiện thông qua rèn luyện. Việc nắm bắt được cách tăng khả năng tư duy một cách logic và có khoa học sẽ giúp bạn mở rộng khả năng của mình ra rất nhiều lần.
Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu những cách tăng khả năng tư duy, chúng ta hãy tiếp cận từ góc độ ngược lại: điều gì cản trở khả năng tư duy của bạn?
3 yếu tố cản trở năng lực tư duy
Phụ thuộc, ỷ lại
Xét từ góc độ khoa học não bộ, “tư duy” là một trong những hoạt động cao nhất phân biệt con người với những loài động vật khác. Hoạt động “tư duy” được diễn ra ở thùy trán của vỏ đại não – bộ phận tiến hóa sau cùng của bộ não người – chỉ huy những chức năng bậc cao.
Như vậy, khi chúng ta tư duy, suy nghĩ, có nghĩa là thùy trán được hoạt động. Nhưng khi chúng ta phụ thuộc, ỷ lại vào người khác hoặc ngoại cảnh, não sẽ dừng suy nghĩ.

Ví dụ về phụ thuộc, ỷ lại như: “cứ để sếp giải quyết cho mình”, “có bạn A gánh team rồi, không lo”, “cứ đợi trợ cấp của chính phủ thôi”…
Suy nghĩ quá nhiều
Bạn không nghe (đọc) nhầm đâu, tưởng chừng mâu thuẫn nhưng suy nghĩ quá nhiều lại là một yếu tố cản trở khả năng tư duy.
Hãy thử nhớ lại xem, có phải càng những lúc chúng ta muốn đưa ra ý tưởng “xuất thuần”, khiến mọi người phải trầm trồ thán phục, thì lại càng là những lúc không nghĩ ra được gì hay ho cả. Và thời gian thì vẫn trôi đi, chúng ta lại càng cuống lên, rốt cuộc vẫn không nảy ra được gì cả.
Nguyên nhân khiến chúng ta rơi vào vòng lặp bế tắc đó là bởi vì chúng ta nghĩ rằng “phải có câu trả lời đúng cho vấn đề này”. Tuy nghiên, suy nghĩ/tư duy giải quyết vấn đề vốn là hành động hướng về tương lai, nên không có đáp án đúng hay sai.
Vì vậy, nếu bạn dành nhiều thời gian để phán đoán “ý tưởng này liệu có đúng không?” thực ra lại lãng phí.
Thay vào đó, việc quan trọng hơn là cứ đưa ra thật nhiều ý tưởng.
Kể cả những ý tưởng bạn cảm thấy “chưa được”, “không ổn lắm”, hãy cứ viết xuống một loạt những gì nảy ra trong đầu bạn. Rất có thể, 3 ý tưởng đưa ra sau khi đã “nghĩ nát óc” chưa chắc đã chứa đựng yếu tố bất ngờ, sáng tạo bằng 30 ý tưởng được viết ra khi bị giới hạn về thời gian.
Quá cả tin
Để tăng khả năng tư duy, chúng ta cần phải dành nhiều thời gian cho việc suy nghĩ. Cơ hội suy nghĩ sẽ bị tước bỏ khi chúng ta dễ dàng tin những gì người khác nói hoặc “đu trend” ngay lập tức.
Ví dụ, (không phải là tất cả nhưng) nhiều người đầu tư bị thua lỗ nặng nề hoặc bị lừa mất tiền oan là do cả tin. Việc cả tin này khiến họ không tra cứu, kiểm chứng, xác minh, phân tích những yếu tố quan trọng như người giới thiệu, lịch sử phát triển, bối cảnh thị trường, ý kiến của người có kinh nghiệm thực sự… Không làm những điều này đồng nghĩa với việc thiếu suy nghĩ.
Cách tăng khả năng tư duy – Đột phá khả năng của bản thân
Nghe có vẻ khó nhưng thực tế, ai cũng có thể tăng khả năng tư duy thông qua rèn luyện.
Phương pháp 1: Diễn đạt bằng từ ngữ cụ thể
Trước hết, bạn có thể luyện tập bằng cách chuyển những từ ngữ trừu tượng sang từ ngữ cụ thể trong khi nói chuyện, giao tiếp hàng ngày.
Ví dụ, hãy để ý xem bạn có đang dùng nhiều những cách nói sau trong cuộc sống không:
- “Phải tập trung vào những việc cần làm, cố gắng đạt mục tiêu” -> cần rõ ràng việc cần làm là việc gì
- “Tôi sẽ làm xong sớm” -> nêu cụ thể xong vào lúc nào
Như ở câu thứ 2, cảm giác thời gian về “sớm” của mỗi người khác nhau. Xong trong tối nay cũng có thể là sớm mà xong trong sáng mai cũng có thể là sớm, mà xong ngay sau 1 tiếng cũng có thể là sớm.
Những từ ngữ có mức độ trừu tượng cao là những từ ngữ có thể khiến cho đối phương không hiểu chính xác ý chúng ta muốn nói.
Để tất cả người nghe đều hiểu theo một cách đúng ý chúng ta, cần diễn đạt bằng những từ ngữ khách quan, rõ ràng, cụ thể.

Phương pháp 2: Nhận ra thói quen suy nghĩ của bản thân
Việc quan sát và nhận ra “thói quen suy nghĩ” của bản thân cũng rất quan trọng để tăng khả năng tư duy.
Để cải thiện thói quen suy nghĩ, bạn có thể tìm hiểu thêm về luyện tập tư duy phản biện (critical thinking).
Có 3 điểm quan trọng khi rèn luyện tư duy phản biện:
- Đặt nghi vấn từ nhiều góc độ: cùng 1 chủ đề nhưng nhìn từ hướng A thì đúng còn nhìn từ hướng B lại không hợp lý.
- Ý thức rằng suy nghĩ của bản thân thường có thiên kiến: do ảnh hưởng của môi trường và những trải nghiệm, mỗi người trong chúng ta ít nhiều đều có khuynh hướng suy nghĩ và nhìn nhận riêng. Điều quan trọng là chúng ta ý thức được điều đó và xây dựng thói quen suy nghĩ không bị ảnh hưởng bởi chủ quan.
- Nhận định đó là sự thật hay ý kiến: sự thật là điều đã xảy ra trong thực tế. Ý kiến là suy nghĩ của cá nhân. Ví dụ: cùng một phát biểu: “hành khách đi chuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông đông hơn hôm qua”. Nếu phát biểu đó dựa trên dữ liệu “khách đi tàu điện tăng 50 người so với hôm qua” thì đó là sự thật. Ngược lại, nếu phát biểu đó dựa trên cảm giác, kinh nghiệm của người nói thì đó là ý kiến.
Phương pháp 3: Tìm hiểu vấn đề bản chất
Nắm được vấn đề bản chất cũng quan trọng để tăng khả năng tư duy.
“Nhiệm vụ mình đang xử lý trước mắt là để nhằm giải quyết vấn đề cụ thể nào?” là một câu hỏi giúp tìm ra vấn đề bản chất.
Khi không thực sự hiểu bản chất của vấn đề mình đang giải quyết là gì, chúng ta dễ tiến hành công việc thiếu hiệu quả và năng suất.
Ví dụ: Bạn được trao vị trí trưởng nhóm “cải tiến bán hàng”.
Có thể bạn sẽ nghĩ đến “để cải tiến bán hàng cần cho nhân viên đi học”.
Tuy nhiên, “cho nhân viên đi học” chỉ là một phần của việc “cải tiến bán hàng”.
Về bản chất, việc “đánh giá lại quy trình bán hàng” có thể sẽ quan trọng hơn.
Để nắm được vấn đề bản chất, có 2 cách tiếp cận:
- Chia nhỏ vấn đề
- Tìm hiểu bối cảnh vấn đề
- Chia nhỏ vấn đề
Ví dụ, bạn là Trưởng phòng nhân sự. Sếp giao cho bạn nhiệm vụ tuyển người phù hợp với định hướng phát triển của công ty. Bạn có thể chia nhỏ vấn đề và trả lời các câu hỏi cụ thể: “định hướng phát triển của công ty là gì?”, “đến giai đoạn nào”, “người như thế nào là phù hợp?”
- Tìm hiểu bối cảnh vấn đề
Việc nắm được “người đưa ra yêu cầu ý thức về vấn đề như thế nào?”, “tại sao họ lại đưa ra yêu cầu đó” cũng quan trọng.
Tiếp tục ví dụ ở trên, tùy theo bối cảnh đây là vấn đề của phòng nhân sự thôi hay là vấn đề của cả công ty mà phạm vi suy nghĩ cũng sẽ khác.
Để tìm hiểu bối cảnh vấn đề, bạn có thể đặt câu hỏi đơn giản: “Tại sao vấn đề này được đưa ra?”
Phương pháp 4: Xây dựng khung lập trường và căn cứ
Sau khi nắm được vấn đề bản chất, tiếp theo bạn cần suy nghĩ về “câu trả lời (lập trường)” của riêng bạn đối với vấn đề đó.
Nếu vấn đề là “cần làm gì để tuyển được người phù hợp với định hướng phát triển của công ty?”, thì câu trả lời của bạn sẽ là: “trước hết cần thực hiện A và B”.
Đồng thời, bạn cần đưa ra được căn cứ cho lập trường đó: “tại sao lại có thể nói như vậy?”
Khi lập trường và căn cứ được liên kết chặt chẽ, ý kiến của bạn sẽ có sức thuyết phục mạnh mẽ.
Tôi sẽ giới thiệu với bạn 2 cách tiếp cận để xây dựng lập trường:
- Phương pháp diễn giải
- Phương pháp quy nạp
- Phương pháp diễn giải
Là phương pháp kết luận hoặc khẳng định sau khi đưa ra sự kiện cụ thể ứng với quy luật đã có.
Ví dụ:
Quy luật: Ăn thức ăn nhiều calo vào buổi tối muộn sẽ dễ tăng cân
Sự kiện cụ thể: Vợ định ăn mỳ vào nửa đêm
-> Ý kiến: khuyên vợ rằng không nên ăn nữa
Điểm quan trọng để sử dụng tốt phương pháp diễn giải đó là bạn cần thường xuyên bổ sung kiến thức, nắm được nhiều quy luật phổ biến và ứng dụng được vào thực tế.
- Phương pháp quy nạp
Là phương pháp đưa ra kết luận hoặc khẳng định dựa trên việc tìm ra quy tắc chung nào đó từ nhiều sự kiện cụ thể.
Ví dụ:
Sự kiện cụ thể A: Đội bóng X bị rớt khỏi top 4 đội bóng đầu bảng tranh chức vô địch Ngoại hạng Anh
Sự kiện cụ thể B: Đội bóng X bị loại tại vòng bảng Cúp C1
Sự kiện cụ thể C: Đội bóng X để thua đội bóng mới lên hạng
-> Ý kiến: Phong độ thi đấu của đội bóng X sa sút hoặc có thể đội bóng X sắp thay Huấn luyện viên.
Phương pháp quy nạp có đặc trưng là có thể có nhiều cách diễn giải.
Điểm quan trọng để sử dụng tốt phương pháp quy nạp là bạn cần “thu thập nhiều dữ kiện, loại bỏ định kiến vốn có”, “gia tăng kinh nghiệm, rèn luyện suy nghĩ cụ thể”.

Ba khái niệm hỗ trợ tư duy logic
Để tăng khả năng tư duy logic, bạn có thể tìm hiểu thêm về “MECE”, “Business Framework” và “Cây Logic”.
- MECE
MECE là tập hợp chữ cái đầu của các từ:
- Mutually (lẫn nhau)
- Exclusive (không trùng lặp)
- Collectively (toàn thể)
- Exhaustive (không bỏ sót)
Hiểu theo tiếng Việt là “trạng thái liệt kê như một tập hợp toàn thể, không trùng lặp cũng không bỏ sót”.
Ví dụ: liệt kê nhóm nghề nghiệp bao gồm “sinh viên / nhân viên chính thức / nhân viên làm thêm / người nội trợ” là không đáp ứng tiêu chuẩn của MECE vì bỏ sót “người tự kinh doanh”, “nhà đầu tư”, bên cạnh đó, “sinh viên” với “nhân viên làm thêm” có thể trùng lặp.
Sử dụng MECE giúp bạn có thể nắm được bức tranh toàn cảnh vì nó tránh thiếu sót và trùng lặp. Khi đó bạn sẽ không bị bất ngờ bởi các câu hỏi không có trong dự tính nữa.
Những trường hợp sử dụng MECE là khi bắt đầu một việc gì đó mới, khi bị mất cái nhìn tổng quan, khi đã rất cố gắng mà vẫn không thấy được thành quả và lối ra, khi muốn đạt được thành quả mà tốn ít công sức…
- Business Framework: ứng dụng của MECE
Rất nhiều business framework là ứng dụng của MECE. Chúng rất hữu ích khi bạn muốn nắm được bản chất của tình hình và vấn đề.
Ví dụ 1: 3C
Là framework có ích khi phân tích môi trường kinh doanh như định nghĩa thị trường mới hoặc phát triển sản phẩm mới.
- Customer (khách hàng): khách hàng mục tiêu là ai, thị trường đang ở trạng thái nào?
- Company (công ty): điểm mạnh, đặc trưng khác biệt của công ty là gì?
- Competitor (đối thủ): điểm mạnh, đặc trưng khác biệt của đối thủ là gì?
Ví dụ 2: 4P
Là framework thường được sử dụng khi lên chiến lược marketing
- Product (sản phẩm)
- Price (giá cả)
- Place (kênh phân phối)
- Promotion (khuyến mãi, quảng cáo thúc đẩy bán hàng)
- Cây logic
Hữu ích khi bạn muốn đào sâu nguyên nhân của vấn đề, cụ thể hóa biện pháp giải quyết.
Ví dụ, khi suy nghĩ về cơ hội thị trường cho sản phẩm/dịch vụ dành cho người bị đau lưng, có thể triển khai theo cây logic như sau:
Tổng kết
Những yếu tố cản trở khả năng tư duy:
- Phụ thuộc, ỷ lại
- Suy nghĩ quá nhiều
- Quá cả tin
Các cách tăng khả năng tư duy:
- Diễn đạt bằng từ ngữ cụ thể
- Nhận ra thói quen suy nghĩ của bản thân
- Tìm hiểu vấn đề bản chất
- Xây dựng khung lập trường và căn cứ
Ba khái niệm bổ trợ giúp tăng khả năng tư duy logic
- MECE
- Business Framework
- Cây logic
Bằng cách áp dụng và duy trì những cách tăng khả năng tư duy trên đây, chắc chắn rằng bạn sẽ phải thật sự bất ngờ với những kết quả mình nhận được. Chúc bạn áp dụng thành công!
Bên cạnh đó, tôi muốn giới thiệu đến bạn một khóa học của tôi mang tên “Brain Activation Training“ Đây là một khóa học giúp bạn điều khiển não bộ từ đó tự kiến tạo cuộc đời của riêng bạn.