Bạn đã nắm được cách luyện trí nhớ hiệu quả dựa trên cơ chế của não?
“Trí nhớ” hiện vẫn còn là một lĩnh vực với nhiều bí ẩn. Ví dụ, chúng ta vẫn chưa biết chính xác bộ não con người có thể ghi nhớ được bao nhiêu, hay cách thức cụ thể mà não nhớ ra một ký ức… Tuy nhiên, các nhà khoa học thần kinh vẫn đang giải mã dần dần các bí ẩn này. Nếu nắm được cơ chế của não liên quan đến trí nhớ, chắc chắn chúng ta sẽ có thể biết cách luyện trí nhớ tốt hơn và học tập hiệu quả hơn rất nhiều.
Hãy cùng tìm hiểu xem phương pháp học giúp nâng cao trí nhớ cần có những yếu tố gì nhé.
Cách luyện trí nhớ 1: Lặp lại nhiều lần giúp hình thành trí nhớ
Chìa khóa quan trọng khi bàn luận về cách rèn luyện trí nhớ đó là hiểu về hồi hải mã. Hồi hải mã là một bộ phận của não, nằm phía sâu trong tai, to khoảng 1cm, dài khoảng 5cm, tương đương kích cỡ ngón tay cái của người lớn. Không phải tất cả mọi thông tin tiếp xúc đều được bộ não chúng ta ghi nhớ. Chỉ những thông tin được hồi hải mã phán đoán là cần thiết mới được gửi lên vỏ đại não để lưu lại thành trí nhớ dài hạn.
Vậy thì, hồi hải mã dựa vào tiêu chuẩn nào để đưa ra phán đoán?
Đó chính là thông tin này có “cần thiết không thể thiếu được trong cuộc sống hay không?”
Con người cũng là một loài động vật, vì vậy sinh tồn là ưu tiên quan trọng nhất của chúng ta, hay nói cách khác, sống sót/đảm bảo an toàn tính mạng là ưu tiên số 1 của bộ não. Vì vậy, những thông tin liên quan đến thức ăn, tín hiệu nguy hiểm… sẽ được não ưu tiên hàng đầu để nhận biết và ghi nhớ – Điểm trọng tâm trong cách rèn luyện trí nhớ.
Tuy nhiên, ngay cả những thông tin không liên quan đến sinh tồn nếu thường xuyên được gửi đến não nhiều lần thì sẽ khiến hồi hải mã “hiểu nhầm” rằng “đây chắc chắn là thông tin cần thiết trong cuộc sống”. Đúng vậy, đó chính là cách để “đánh lừa” hồi hải mã. Việc lặp đi lặp lại sẽ khiến hồi hải mã nhận thức rằng đây là thông tin quan trọng cần ghi nhớ.
Vì vậy, không việc gì phải chán nản nếu bạn quên những gì mình đã học. Bộ não con người vốn “giỏi quên” hơn là giỏi nhớ, nếu quên thì chỉ cần ôn lại là được. Nếu kiên nhẫn lặp đi lặp lại, não sẽ lưu giữ những kiến thức đó thành trí nhớ. “Học là ôn tập” – trước hết bạn cần hiểu một điều cơ bản và đơn giản là việc lặp lại nhiều lần sẽ giúp thông tin hình thành nên trí nhớ.
Cách luyện trí nhớ 2: Không mua quá nhiều sách tham khảo và sách bài tập
Có thể nhiều người sẽ nghĩ “học là ôn tập – chuyện đương nhiên vậy mà cũng nói”. Tuy nhiên, cùng là “ôn tập”, nhưng nếu chúng ta hiểu “nguyên lý của não” và làm theo phương pháp ứng dụng trên nguyên lý đó thì chúng ta sẽ có thể ghi nhớ một cách hiệu quả hơn – Một cách rèn luyện trí nhớ tuyệt vời. Vậy thì, “phương pháp học đúng dựa theo nguyên lý của não” là gì?
Cách đây hơn 100 năm, nhà tâm lý học người Đức Ebbinghaus đã thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng về khả năng ghi nhớ. Ông yêu cầu những người tham gia thí nghiệm nhớ 10 từ vựng hoàn toàn không có ý nghĩa và theo dõi xem họ có thể nhớ chúng trong bao lâu. Kết quả là những người tham gia thí nghiệm quên các từ vựng đó với tốc độ gần như giống nhau. Và Ebbinghaus đã đưa ra lý thuyết về “Đường cong quên lãng” (Forgetting curve). Theo đó, chúng ta sẽ quên hơn một nửa thông tin đã tiếp nhận chỉ sau một giờ đầu tiên, và sau một tuần, lượng kiến thức lưu lại chỉ còn khoảng 20%.
Nhưng, điều quan trọng ở đây là, những từ vựng đã quên không phải là hoàn toàn biến mất khỏi não. Ví dụ, sau khi không thể nhớ ra hoàn toàn, chúng ta ôn lại những từ đó 1 lần nữa và làm lại cùng bài kiểm tra đó thì rõ ràng lần thứ 2 chúng ta nhớ tốt hơn lần đầu tiên. Đến lần thứ 3 thì số lượng những từ vựng nhớ được cũng tăng lên hẳn. Như vậy hẳn bạn cũng đã hiểu được tầm quan trọng của việc ôn tập. Càng ôn tập thì tốc độ quên của chúng ta sẽ càng chậm lại.
Tuy nhiên, không phải cứ ôn tập một cách vô tội vạ là tốt. Thời gian lưu trữ của trí nhớ tiềm ẩn là 1 tháng nên quan trọng là chúng ta cần ôn tập trong khoảng thời gian đó (người ta cho rằng hồi hải mã dành ra 1 tháng để sắp xếp các thông tin).
Cụ thể, ôn lại lần 1 trong vòng 24h đầu tiên sau khi tiếp xúc kiến thức lần đầu, ôn lại lần 2 sau 1 tuần, ôn lại lần 3 sau 2 tuần kể từ lần ôn tập thứ 2, và ôn lại lần 4 sau 1 tháng kể từ lần ôn tập thứ 3. Như vậy, chúng ta nên dành ra 2 tháng để ôn tập theo thời gian giãn cách.
Mặt khác, để tăng khả năng nhận thức tầm quan trọng của thông tin cho hồi hải mã, chúng ta không nên chỉ đọc bằng mắt mà nên kết hợp nhiều hình thức như “viết lại vào vở”, “đọc thành tiếng” – như vậy sẽ hiệu quả hơn vì não được kích thích hơn.
Tiếp theo, nên ôn tập lại cùng một nội dung. Cùng thí nghiệm từ vựng ở trên, khi bổ sung thêm 10 từ hoàn toàn mới vào danh sách những từ cần nhớ thì tỷ lệ ghi nhớ giảm rõ rệt. Có nhiều bạn khi luyện thi thường mua rất nhiều sách tham khảo và sách bài tập về làm, tuy nhiên hầu như không có sự khác biệt lớn giữa các cuốn sách này. Nếu theo nguyên lý của não thì chúng ta nên chỉ tập trung vào 1,2 cuốn và làm đi làm lại nhiều lần sẽ hiệu quả hơn, đồng thời tiết kiệm thời gian hơn.
Một điều quan trọng nữa là “não đặc biệt chú trọng output”. Não tiếp xúc với rất rất nhiều thông tin. Nhưng nó không thể nhớ hết tất cả được. Đương nhiên, não sẽ phải loại bỏ và lựa chọn nên giữ lại điều gì, lúc này, nó sẽ phán đoán dựa trên không chỉ số lần input mà còn cả số lần output (tần suất sử dụng). Thậm chí, não học tập và ghi nhớ nhiều hơn dựa trên output. Vì vậy, giải đi giải lại bài tập nhiều lần sẽ hiệu quả hơn đọc sách giáo khoa và sách tham khảo.
Cách luyện trí nhớ 3: Hứng thú và cảm xúc giúp kích thích ghi nhớ hơn
Trước khi đi tiếp, chúng ta hãy cùng điểm lại những ý chính:
Hồi hải mã phán đoán mức độ cần thiết của những thông tin tiếp nạp vào não, những thông tin được đánh giá là cần thiết sẽ được chuyển thành trí nhớ dài hạn. Tiêu chuẩn đánh giá là thông tin đó có cần thiết cho sinh tồn hay không. Tuy nhiên, những thông tin được lặp đi lặp lại nhiều lần cũng sẽ được coi là cần thiết cho sinh tồn. Mặt khác, việc lặp lại giúp tốc độ quên chậm lại. Để học tốt, hãy ôn tập nhiều lần, mỗi lần cùng một nội dung và chú trọng vào output như viết ra, nói lại…
Bây giờ, chúng ta sẽ nói về LTP – một yếu tố cũng rất quan trọng cho sự thành công trong học tập. LTP (Long-term potentiation) – điện thế hóa dài hạn là một quá trình củng cố các hoạt động điện thế mới diễn ra tại synap. Qúa trình này làm tăng cường truyền dẫn tín hiệu giữa 2 nơ-ron trong khoảng thời gian dài, dẫn đến tạo ra synap mới và hình thành nên con đường mòn dấu vết nhớ (theo Wikipedia).
Nghiên cứu của Giáo sư Iketani Yuji (Đại học Tokyo) đã cho thấy khi hạch hạnh nhân hoạt động thì LTP sẽ dễ dàng xảy ra. Hạch hạnh nhân là một bộ phận nhỏ trong não, nằm ngay bên cạnh hồi hải mã, phụ trách cảm xúc. Mặt khác, vì LTP là hiện tượng sự kết nối của các tế bào thần kinh được củng cố mạnh mẽ nên những động vật thường xuyên xảy ra LTP sẽ có khả năng ghi nhớ tốt hơn, ngược lại những động vật không có LTP sẽ không thể ghi nhớ được. LTP cũng có liên hệ mật thiết với hồi hải mã.
LTP xảy ra khi các tế bào thần kinh được kích thích lặp đi lặp lại nhiều lần. Đúng vậy, lại là “lặp đi lặp lại”. Tuy nhiên, có “bí quyết” để giảm số lần lặp đi lặp lại này. Điểm mấu chốt nằm ở “sóng Theta” (một loại sóng não). Nghiên cứu đã cho thấy, ở hồi hải mã khi ở trạng thái sóng Theta, LTP sẽ xảy ra với số lần kích thích ít hơn, thậm chí, chỉ với 1/10 số lần kích thích.
Sóng Theta còn được gọi là biểu tượng của lòng hiếu kỳ, phát ra khi chúng ta làm những việc mình yêu thích, hồi hộp, kích thích. Nói cách khác, chúng ta sẽ ghi nhớ dễ dàng hơn khi làm những việc mình hứng thú.
Tất nhiên, không phải cứ muốn là có thể cảm thấy hứng thú và hiếu kỳ ngay được. Dẫu vậy, chúng ta không nên vừa học vừa miễn cưỡng trong sự nhàm chán, mà hãy cố gắng tìm ra bất cứ điều gì có vẻ thú vị trong bài học, như vậy sẽ khiến não phát ra sóng Theta. Khi nhớ được rồi mình sẽ thấy hay hơn, lại thích học hơn, lại nhớ được nhiều hơn – tạo nên vòng tuần hoàn tích cực.
Một yếu tố nữa là hãy kích hoạt hạch hạnh nhân. Hạch hạnh nhân phụ trách cảm xúc và khi nó hoạt động thì LTP sẽ dễ xảy ra hơn. Ví dụ, khi học lịch sử, chúng ta không nên chỉ học thuộc lòng như vẹt, mà hãy đặt mình vào trong sự kiện như chính mình đang trải nghiệm diễn biến lịch sử đó, và nhập tâm xem ở hoàn cảnh ấy nhân vật lịch sử cảm thấy “tiếc quá” hay “lo lắng quá”, “chắc là rất vui”… Bằng cách này, não sẽ tự động nhớ kiến thức một cách tự nhiên, thật là một cách rèn luyện trí nhớ khoa học. Và nếu bạn trở nên hứng thú với nhân vật lịch sử khiến não sinh ra sóng Theta – thì hoàn hảo quá rồi!
Cuối cùng, thêm một thông tin thú vị về LTP. Sau khi đi học về cho đến lúc đi ngủ, bạn thường học vào thời gian nào? Có phải sau khi đi học về, chúng ta thường nghỉ ngơi thư giãn, rồi ăn cơm và sau đó ngồi vào bàn học đúng không? Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhớ tốt hơn khi bụng đói. Cơ sở khoa học của điều này là: khi đói, dạ dày tiết ra một hormone gọi là Ghrelin, ghrelin theo huyết quản chảy tới hồi hải mã sẽ làm LTP dễ xảy ra hơn.
Như vậy, để sử dụng LTP hiệu quả, chúng ta hãy học với sự “hứng thú”, kèm theo “cảm xúc” và khi “đói bụng”. Ta hoàn toàn có thể áp dụng điều này cho việc rèn luyện trí nhớ của bản thân.
Bình Luận 1