Có thể thấy rằng, việc nuôi dạy con cái luôn là vấn đề khiến cho biết bao nhiêu bậc làm cha mẹ phải đau đầu.
- Phải làm gì để giúp con thông minh hơn?
- Cha mẹ cần làm những gì trong năm năm đầu đời để đảm bảo con mình trở nên vượt trội ở trường học cũng như trong cuộc sống?
- Nhưng sai lầm nào trong cách nuôi dạy con cái nhiều “Phụ Huynh” đang mắc phải?
Tin tốt là việc nuôi dạy con thông minh tuy thử thách nhưng là việc bạn hoàn toàn có thể làm được với sự cam kết, nhất quán và tình yêu thương.
Việc cha mẹ nên làm trong năm năm đầu đời của con là giúp bé phát triển tối đa tiềm năng của não bộ. Kể cả khi không có nhiều thời gian, bạn vẫn có thể dành vài phút mỗi ngày để đọc sách và hát cho con nghe, hay cùng con chơi một trò chơi kích thích trí não. Bạn có thể khuyến khích con sáng tạo bằng cách xây dựng môi trường phong phú ngay tại nhà để con có thể phát huy trí tưởng tượng. Bạn có thể đảm bảo rằng trẻ được sống và chơi đùa trong môi trường an toàn, cũng như được nhận đầy đủ dưỡng chất giúp xây dựng não bộ.
Đừng để trẻ bỏ lỡ cơ hội một – lần – trong – đời này.
Hoạt động rèn luyện trí não rất quan trọng cho trẻ
Các hoạt động rèn luyện trí não là những hoạt động thách thức não bộ, qua đó kích thích các tế bào não tạo ra nhiều liên kết thần kinh hơn, từ đó khiến não bộ khỏe mạnh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và sau cùng là thông minh hơn. Mục đích của các hoạt động này là rèn luyện cho não bộ tư duy như thế nào, thay vì tư duy cái gì. Cốt lõi là tăng cường trí não, để con của bạn có thể xử lý và vận dụng thông tin tốt hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, đừng khiến não bộ của trẻ bị ngợp quá nhiều thông tin trước khi tới tuổi đến trường. Thay vào đó, mục tiêu cần hướng đến là một bộ não có khả năng lưu trữ thông tin hiệu quả, và quan trọng nhất là sử dụng thông tin dễ dàng. Về cơ bản, mục tiêu không phải là trẻ học được điều gì, mà là trẻ học được chúng ra sao.
Trẻ em học tốt nhất khi chúng vui vẻ, thư giãn và hào hứng, vì vậy chơi đùa chính là một trong những hoạt động tốt nhất cho trẻ nhỏ.
Đồng thời, hoạt động thể chất cũng là một cách tuyệt vời để rèn luyện trí não của trẻ. Nó làm gia tăng lượng hormone tăng trưởng trong não bộ, giúp sản sinh những tế bào não khỏe mạnh hơn.
Nhưng có lẽ hoạt động giúp tăng cường trí não tốt nhất chính là sử dụng trí tưởng tượng – đây vốn là một hoạt động tự nhiên khi trẻ có thời gian và không gian phù hợp.
Điều gì khiến bộ não trẻ nhanh hơn?
Khi hình thành những con đường truyền tín hiệu thần kinh quan trọng, não bộ cũng đồng thời trải qua một quá trình quan trọng có khả năng cải thiện trí não – sự myelin hóa. Myelin là một lớp chất béo bao bọc tất cả các tế bào thần kinh trong cơ thể, kể cả các tế bào trong não bộ, và có vai trò giống như một lớp cách điện. Myelin làm gia tăng tốc độ dẫn truyền xung điện qua các tế bào thần kinh, giúp não bộ nhanh nhẹn, thông minh và nhạy bén hơn. Thiếu myelin cũng là một nguyên nhân khiến trẻ xử lý thông tin chậm so với trẻ lớn tuổi hơn và người lớn.

Dạy dỗ và nuôi dưỡng là hai yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng myelin hóa của não bộ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hôn, ôm ấp và yêu thương sẽ giúp trẻ có nhiều myelin hơn, dẫn đến chỉ số IQ cao hơn. Một nghiên cứu cho thấy rằng tám phút mát xa đối với trẻ tròn bốn tháng tuổi sẽ giúp tăng cường đáng kể trí nhớ và kỹ năng phân biệt sơ khởi (khả năng nhận biết sự khác biệt giữa các hình dạng và vật thể). Điều hấp dẫn về phát hiện này là khả năng ghi nhớ và phân biệt sơ khởi bằng giác quan có thể trực tiếp giúp dự đoán được chỉ số IQ sau này của trẻ.
Myelin tốt nhất được tạo thành từ loại chất béo tối ưu nhất, đó chính là DHA, loại chất béo thường xuất hiện trong nhau thai, sữa mẹ và còn được bổ sung vào hầu hết các loại sữa công thức cho trẻ sơ sinh.
Cha mẹ có thể tăng cường quá trình myelin hóa và cải thiện đáng kể chất lượng não bộ của trẻ bằng cách đảm bảo trẻ nhận được lượng DHA tối ưu.
Những hoạt động tăng cường trí não cho trẻ
Đọc cho con nghe
Hãy đọc cho con nghe ngay từ những ngày đầu đời. Thực hiện hoạt động này ngay từ khi con còn nằm nôi không chỉ giúp tình cảm thêm gắn bó, mà còn giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ.
Khi con đã có thể cầm nắm, hãy khuyến khích con cầm và chơi đùa với sách. Ngoài ra, việc kích thích các giác quan của trẻ trong khi đọc sẽ thử thách não bộ kết hợp nhiều trải nghiệm giác quan cùng lúc, từ đó khiến trẻ thông minh hơn.
Một bí quyết là hãy đọc truyện thật diễn cảm – ký ức sẽ sâu đậm hơn khi đi kèm với cảm xúc. Hãy tỏ ra kịch tính, hào hứng, cười phá lên và tạo ra một khoảng thời gian vui vẻ khi đọc truyện cho con nghe. Hoạt động này sẽ trở thành một trải nghiệm thú vị cho cả bạn và con.

Chỉ vào những bức hình
Khi đọc cho con nghe, điều quan trọng là bạn hãy chỉ ra và gọi tên các bức hình.
Nếu bức hình vẽ một ngôi nhà, hãy nói: “Đây là một ngôi nhà”. Nếu bức hình vẽ quả dưa hấu, hãy nói: “Đây là quả dưa hấu”. Hãy làm điều này mỗi khi bạn đọc truyện cho con. Khả năng gợi nhớ hình ảnh của một người hay vật thể dựa trên kích thích thính giác là một bước phát triển nhảy vọt của trẻ.
Đọc sách hội thoại
Cách tốt nhất để đọc sách cùng con là gì? Cứ vài trang một lần hoặc mỗi khi thích hợp, hãy hỏi con một câu về nội dung câu chuyện. Ví dụ, bạn có thể hỏi những câu hỏi như: “con có thực sự nghĩ rằng có các chú lùn tồn tại không?” hay “cái thảm có thể bay không?”
Nếu con còn quá nhỏ và chưa thể nói chuyện, bạn có thể tự trả lời câu hỏi. Khi con nói được nhiều hơn, bé sẽ biết phải làm gì và bắt đầu đưa ra các câu hỏi khi bạn đọc câu chuyện ưa thích của bé.
Tại sao tương tác khi đọc sách lại giúp trẻ có kỹ năng nói vượt trội? Khi bạn hỏi trẻ về cốt truyện hay một nhân vật, trẻ sẽ phải tư duy theo một cách khác biệt so với khi chỉ đơn thuần lắng nghe. Tương tác khi đọc sách khiến trẻ liên tưởng các chi tiết trong câu chuyện với những trải nghiệm và ký ức trên thực tế. Hoạt động này sẽ rèn luyện não bộ trẻ khả năng so sánh và tìm ra câu trả lời. Quan trọng hơn, nó kích hoạt khu vực phức tạp nhất của não bộ – vùng não liên hợp thuộc thùy trán.
Tất nhiên, đôi lúc bạn nên ôm ấp con và đọc sách cho bé nghe mà không hỏi gì cả. Hãy theo dõi các tín hiệu từ phía con.
Hát cho con nghe
Hãy gác lại những chiếc đĩa nhạc Mozart: Thứ âm nhạc có sức ảnh hưởng mạnh nhất tới sự phát triển của trẻ chính là giọng hát của bạn.
Các trải nghiệm liên quan đến cảm xúc sẽ để lại một ấn tượng sâu sắc lên não bộ. Điều này cũng có thể được áp dụng với những trải nghiệm thính giác sớm nhất của trẻ. Một người mẹ bế con trên tay, nhìn vào mắt bé, hát cho bé nghe và truyền cho bé tình cảm yêu thương: đây chính là phương thuốc mạnh mẽ, có khả năng củng cố rõ rệt đối với những khớp thần kinh vô cùng quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ, hiểu biết về toán học và tư duy trừu tượng.
Hát cùng con kết hợp với vui đùa sẽ cho phép bé kết hợp các giác quan khác nhau, bao gồm xúc giác, thị giác và thính giác. Đó là cách học tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh. Hát cho con nghe, đồng thời đếm ngón chân, ngón tay của bé hay cho bé vỗ tay là những cách thức tuyệt vời để vừa vui đùa vừa cho phép não bộ trẻ tiếp nhận những âm thanh khác nhau của ngôn ngữ và giai điệu âm nhạc.
Làm quen với nhiều thể loại âm nhạc
Chúng ta có thể tận dụng mọi trải nghiệm âm nhạc để tăng cường sức mạnh não bộ. Điều quan trọng là cho trẻ tiếp xúc sớm với nhiều phong cách âm nhạc, thậm chí là âm nhạc từ các quốc gia khác. Sự khác biệt giữa các phong cách âm nhạc sẽ khiến trẻ thấy thú vị và có thể củng cố thêm kỹ năng phân biệt và trí nhớ của trẻ.
Hơn nữa, trong bối cảnh khoảng cách toàn cầu đang dần thu hẹp, cách tốt nhất để truyền đạt cho con một cách nhìn nhận thế giới đúng đắn chính là giúp bé nhận thức được sự khác biệt trong văn hóa. Ngay cả những lời ru được hát bằng ngoại ngữ cũng có tác dụng làm tăng số lượng đường dẫn truyền thần kinh sẽ song hành cùng trẻ trong suốt cuộc đời.
Cách tiếp cận thông minh với TV
Một nghiên cứu đột phá được công bố trên tạp chí Pediatrics, đã tiết lộ rằng những trẻ xem TV nhiều nhất trong giai đoạn từ một đến ba tuổi sẽ dễ gặp phải các vấn đề về khả năng tập trung khi lên bảy tuổi. Trong những năm tháng quan trọng đối với sự phát triển não bộ, mỗi giờ xem TV một ngày sẽ làm tăng 10% nguy cơ mắc phải các vấn đề về khả năng tập trung. Điều này không có nghĩa là trẻ chắc chắn sẽ mắc ADHD, nhưng các em có thể gặp khó khăn khi ngồi yên trong lớp học hoặc tập trung vào một việc nào đó; đây là hai kỹ năng rất quan trọng trong việc học.
Một số lưu ý khi cho trẻ tiếp cận TV:
• Không cho trẻ dưới hai tuổi xem TV
TV có thể gây hại cho trẻ dưới hai tuổi, nhất là về mặt kỹ năng nói. Khoảng thời gian từ sơ sính đến hai tuổi vô cùng quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ – giai đoạn này chỉ xảy ra một lần trong đời. Não bộ của trẻ bẩm sinh có khả năng học nói từ người lớn và tương tác với những bé khác, thay vì những cuộc trò chuyện đơn phương phát ra từ màn hình TV. Để có thể sử dụng ngôn ngữ đúng cách, trẻ phải nhận được phản hồi thích hợp từ những người xung quanh khi tập nói. Khi bắt đầu bập bẹ, bé cần một người khác đáp lời, chỉnh sửa sai sót và đặt câu với những từ bé nói. Hoạt động qua lại này giữa bé và người lớn sẽ giúp bé biết cách sử dụng ngôn ngữ, đồng thời hình thành các đường dẫn truyền thần kinh phục vụ cho quá trình đọc viết. TV không thể đem lại sự phản hồi quan trọng này.
• Tắt TV khi đến giờ bản tin buổi tối
Những tin tức tiêu cực liên quan đến bạo lực, thiên tai, bệnh tật có thể rất đáng sợ với trẻ nhỏ. Theo BS. Perlmutter, trẻ em dưới tám tuổi không nên xem tin tức buổi tối, và ngay cả khi lớn hơn, trẻ vẫn cần cha mẹ giải thích về những gì đang được trình chiếu. Những trẻ thường xuyên cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi sẽ tuân theo bản năng – trốn tránh hoặc trở nên hung hăng – và không sẵn lòng học hỏi hay tham gia vào các hoạt động có tác dụng phát triển các vùng não bộ cao hơn.
• Biến TV thành trải nghiệm có tính tương tác
Vấn đề lớn nhất của TV và các thiết bị giải trí điện tử khác là tính một chiều – TV phát tiếng và trẻ lắng nghe. Bạn có thể cải thiện điều này bằng cách cùng con xem một chương trình và cho trẻ cơ hội nói chuyện. Trong khi xem TV, hãy hỏi trẻ những câu hỏi như: “Bạn Mika đang làm gì thế?” “Hôm nay bạn Pupu mặc màu gì?” “Các bạn vào rừng làm thế kia?” Nếu con chưa nói được, bạn có thể trả lời thay bé. Hơn nữa, bạn còn có thể đặt những câu hỏi kích thích trí tưởng tượng: “Câu chuyện liệu có thể kết thúc khác như thế nào nhỉ?” “Con thích nhân vật nào? Tại sao lại thích bạn ấy?”
• Đừng biến TV thành phần thưởng hay hình phạt
Sử dụng thời gian xem TV như một phần thưởng để khiến trẻ tuân theo ý muốn của cha mẹ là một sai lầm. Việc này khiến trẻ nghĩ rằng TV vô cùng đặc biệt và càng muốn xem TV hơn thay vì làm những việc khác. Cách tiếp cận tốt nhất là coi TV cũng như bất kỳ hoạt động nào khác.
Đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho trẻ
Một giấc ngủ chất lương tốt, không ngắt quãng, trải qua tất cả giai đoạn là vô cùng quan trọng đối với não bộ đang phát triển. Vì vậy, bạn cần chú ý đến việc giúp trẻ hình thành các thói quen ngủ tốt.
• Hãy biến ngủ thành việc ưu tiên
Trẻ sơ sinh cần được ngủ đủ 16-18 tiếng mỗi ngày để phát triển não bộ. Hãy cố gắng không để con thức quá vài tiếng mỗi lần và cho con ngủ ngay khi bé bắt đầu lơ mơ.
• Tạo thói quen ngủ đều đặn
Điều này quan trọng với mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bé sẽ nhanh chóng học được cách làm quen với những tín hiệu quen thuộc như đung đưa, vuốt ve hay hát ru và biết rằng giờ ngủ đã đến. Cơ thể bé sẽ tự động thư giãn khi nhận được những hành động này nếu chúng được lặp đi lặp lại mỗi tối trước khi đi ngủ.
• Chấp nhận rằng trẻ có thể sẽ khóc
Khi được khoảng chín tháng tuổi, trẻ sơ sinh bắt đầu cảm thấy bất an khi phải ngủ một mình. Hãy nhớ rằng khi con lớn hơn và phải học cách ngủ một mình, bé có thể sẽ khóc rất nhiều. Nếu cảm thấy rằng bé bắt đầu “khóc chống đối” (khác với khóc do những tình trạng cần bạn để tâm) khi làm quen với các thói quen ngủ lành mạnh, hãy nhớ rằng điều đó hoàn toàn bình thường và là một phần của quá trình, dù cho khó khăn đến đâu. Có thể bạn sẽ muốn bế bồng để giúp con ngủ mỗi tối, nhưng việc làm này có thể khiến bé phụ thuộc và không biết cách tự đi vào giấc ngủ. Vì vậy, hãy chú ý để không vô tình tạo ra sự phụ thuộc trong khi con học cách rèn luyện bản thân chìm vào giấc ngủ.
Có lẽ khám phá hấp dẫn nhất trong ngành khoa học về sự phát triển não bộ là biết được rằng sự tham gia của cha mẹ là yếu tố quan trọng nhất trong việc tăng cường hiệu suất não bộ của trẻ. Trẻ học tốt nhất khi cảm nhận được sự yêu thương, an tâm, hạnh phúc và thoải mái. Hãy biến mỗi giây phút ở bên con trở thành ký ức tuyệt đẹp của cả con và bạn. Đây cũng là cách nuôi day con thông minh hiệu quả nhất mà mỗi ba mẹ cần biết.
Nguồn tham khảo: “IQ vượt trội – Giúp con phát triển não bộ và nâng cao trí thông minh”, BS. David Perlmutter, NXB Dân Trí
Dành cho ba mẹ: