Trong công việc hoặc trong cuộc sống, đã bao giờ bạn cảm thấy khâm phục ai đó vì họ “ra quyết định thật nhanh”, họ “nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác với mọi người xung quanh” chưa? Những người như vậy thường có đặc trưng là “não phản ứng nhanh, linh hoạt”. Biết cách giúp não phản ứng nhanh đây thực sự là bí mật chúng tôi muốn tiết lộ cho bạn!!!
Não phản ứng nhanh là năng lực cần thiết không chỉ để xử lý tốt công việc mà còn để giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Vì vậy, bài viết này sẽ giới thiệu tới các bạn những cách giúp não phản ứng nhanh.
Não phản ứng nhanh là năng lực bẩm sinh?

Trước hết, chúng ta hãy cùng xem những đặc điểm của người có não phản ứng nhanh nhé!
- Nói nhanh
- Nhanh hiểu những điều đối phương muốn truyền đạt
- Có khả năng tóm tắt nhanh nội dung
- Ra quyết định nhanh
- Xử lý công việc nhanh
- Ghi nhớ tốt
- Khả năng quan sát tốt
- Thường xuyên suy nghĩ
Xem thêm: sử dụng 100% bộ não
Không phải tất cả những người có não phản ứng nhanh đều có hết những đặc điểm trên. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ là những người ra quyết định nhanh và xử lý công việc nhanh hơn nhiều người khác.
Vậy thì, những năng lực đó có phải do di truyền hoặc bẩm sinh? Câu trả lời là “KHÔNG”.
Khả năng phản ứng nhanh của não, cũng giống như năng lực vận động, là sự kết hợp của cả năng lực bẩm sinh ngay từ lúc sinh ra và năng lực được rèn luyện tích lũy thông qua nỗ lực.
Nói cách khác, nếu bạn đang cảm thấy hiện tại đầu óc mình không được linh hoạt lắm, gặp nhiều khó khăn khi xử lý công việc thì bạn hoàn toàn có thể cải thiện nhờ nỗ lực, cố gắng.
Chúng ta sẽ nói chi tiết hơn ở phần tiếp theo, nhưng trước hết bạn hãy hiểu rằng để não phản ứng nhanh cần tích lũy thật nhiều “kinh nghiệm” và tạo nhiều cơ hội để não được sử dụng tối đa.
12 cách giúp não phản ứng nhanh
Vậy thì, cụ thể chúng ta nên ý thức những yếu tố gì để có thể nâng cao tốc độ phản ứng của não? Phần này sẽ giới thiệu tới các bạn 13 phương pháp giúp não phản ứng nhanh để bạn có thể áp dụng ngay lập tức.
1. Tạo thói quen nói chuyện với người khác
Giao tiếp với người khác là một cách rèn luyện não bộ rất hiệu quả. Lý do là bởi việc nói chuyện với người khác yêu cầu chúng ta phải xử lý nhiều nhiệm vụ như “lắng nghe đối phương”, “hiểu nội dung đối phương muốn truyền đạt”, “trình bày ý kiến của mình”…
Năng lực thấu hiểu suy nghĩ của đối phương và năng lực biểu đạt ngay lập tức những suy nghĩ của bản thân đều rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày lẫn trong công việc.
Nếu chúng ta có thể hiểu nhanh chóng những điều đối phương muốn nói, chúng ta sẽ dễ dàng phán đoán được tiếp theo cần làm gì, nếu chúng ta có thể trình bày dễ hiểu những suy nghĩ của bản thân thì đối phương cũng sẽ nhanh chóng có những phản ứng phù hợp.
Khi chúng ta tích cực nói chuyện hơn với người khác trong cuộc sống hàng ngày, khả năng giao tiếp khi làm việc nhóm chắc chắn cũng sẽ được cải thiện.
2. Cố gắng “quyết định ngay lập tức” trong khả năng có thể khi phải ra quyết định
Thực ra trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên phải đưa ra rất nhiều lựa chọn, quyết định mà bản thân chúng ta cũng không ý thức hết. Ví dụ: “mai mặc gì đi làm”, “trưa nay ăn gì”, “cuối tuần này đi xem phim gì”, “hôm nay có nên gội đầu không” (haha)…
Những người có đầu óc linh hoạt thường quyết định rất nhanh trong những tình huống nhỏ như này, ngược lại, những người kém linh hoạt hơn thì lại hay tỏ ra lưỡng lự, thiếu quyết đoán: “chọn cái gì bây giờ nhỉ?” “làm thế nào bây giờ nhỉ?”
Như vậy sẽ khiến cho vấn đề mãi không tiến triển và không được giải quyết. Còn những người đầu óc linh hoạt, phản ứng nhanh, quyết định nhanh nên có thể bắt đầu sớm hơn nhiều người khác, vì thế tốc độ hoàn thành của họ cũng nhanh hơn.
Nhiều người cảm thấy rằng ra quyết định ngay lập tức có vẻ là hành động bồng bột và thiếu suy xét thấu đáo, nhưng sự do dự sẽ khiến ta bỏ lỡ nhiều cơ hội, vì vậy khả năng ra quyết định nhanh chóng là một yếu tố rất quan trọng. Trước hết bạn hãy dần dần tập thói quen ra quyết định ngay lập tức với những sự việc nhỏ nhé.
3. Tạo thói quen suy nghĩ trước mọi sự vật sự việc

Nhiều người trong chúng ta đã quen với việc suy nghĩ khi tiến hành công việc, tuy nhiên trong cuộc sống cá nhân thì lại khá “lười” suy nghĩ.
Để giúp não phản ứng nhanh thì thói quen thường xuyên suy nghĩ đối với mọi sự vật sự việc là rất quan trọng. Khi hình thành được thói quen này, chúng ta sẽ có thể ngay lập tức động não và đối phó khi có rắc rối bất ngờ xảy ra.
4. Tìm hiểu những điều mình chưa biết
Việc tìm tòi, truy cứu những điều mình chưa biết sẽ góp phần thúc đẩy não hoạt động hết công suất. Những bài luyện tập phải sử dụng đến não rất hiệu quả trong việc giúp não phản ứng nhanh, nên hãy tích cực tìm tòi, mày mò khi có những điều mình không hiểu.
Ngoài ra, não sẽ dễ mệt mỏi khi cảm thấy mông lung, ngược lại, việc hiểu thấu đáo không chỉ giúp rèn luyện não mà còn khiến ta tỉnh táo và khoan khoái. Những người có đầu óc linh hoạt cũng thường là những người có nhiều thông tin, kiến thức – đó là bởi họ đã quen với việc liên tục tra cứu, tìm hiểu khi gặp những điều mình chưa biết.
5. Viết là cách giúp não phản ứng nhanh
Thói quen viết thường xuyên như viết nhật ký, thể hiện suy nghĩ của bản thân thành lời văn… cũng là cách giúp não phản ứng nhanh.
Viết là hoạt động sử dụng đầu óc rất nhiều nên không chỉ tăng khả năng phản ứng mà còn tăng khả năng hiểu, ghi nhớ, tưởng tượng, biểu đạt. Đặc biệt, viết nhật ký là hoạt động ghi lại những sự kiện đã xảy ra trong một ngày nên là bài tập rất hiệu quả để rèn luyện trí nhớ.
6. Cảm nhận sự “mới mẻ” trong cuộc sống hàng ngày
Khi ở trong môi trường quen thuộc mọi ngày, não sẽ đi vào trạng thái “thư giãn”. Tuy nhiên, nếu mục đích của bạn là tìm cách giúp não phản ứng nhanh thì bạn cần ý thức chủ động tiếp xúc với những lĩnh vực xa lạ, không ngừng mang đến cho não sự “mới mẻ”.
Cụ thể như đi học/đi làm bằng một con đường khác, ghé vào nhà hàng bạn chưa từng đến, chọn một thức uống bạn chưa từng thử, để một kiểu tóc mới, đọc một cuốn sách thuộc thể loại xa lạ,… Những hành động này tuy nhỏ nhưng đều mang đến trải nghiệm mới mẻ cho não, khiến não được kích hoạt.
Nếu bạn đang cảm thấy mỗi ngày trong cuộc sống của mình đều chỉ là sự lặp lại quá quen thuộc thì hãy thử cho phép mình tiếp xúc với lĩnh vực mới mẻ. Khi trải nghiệm thật nhiều điều “tươi mới”, chúng ta cũng có thể rút ngắn thời gian để làm quen, thích ứng khi bắt tay vào nhiệm vụ mới trong công việc.
Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều lĩnh vực đa dạng sẽ giúp bạn nâng cao khả năng sáng tạo, nảy ra những ý tưởng độc đáo.
7. Dọn dẹp, sắp xếp ngăn nắp
Khi chúng ta ở trong môi trường mà mọi thứ lộn xộn thì tâm trí cũng dễ bị phân tán, không thể tập trung, khiến não không thể phản ứng nhanh được. Đó là bởi khi có nhiều đồ vật (thông tin) đập vào mắt thì khả năng chú ý của chúng ta sẽ bị tản mạn.
Khi khả năng chú ý bị phân tán, không những chúng ta không thể sử dụng não hết công suất mà còn dễ mắc những sai sót nhỏ. Vì vậy, việc dọn dẹp, sắp xếp ngăn nắp môi trường sống xung quanh như phòng riêng, nhà cửa, bàn làm việc là điều quan trọng không thể thiếu.
Khi loại bỏ được những thông tin vô ích không cần thiết ra khỏi tầm nhìn, sức tập trung của chúng ta sẽ được nâng cao rõ rệt giúp cho não hoạt động thuận lợi hơn.
8. Bổ sung dinh dưỡng tốt cho não
Đảm bảo cơ thể khỏe mạnh cũng là một yếu tố cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng để giúp não phản ứng nhanh. Về cơ bản, những dinh dưỡng tốt cho hoạt động của não gồm có:
- Đường glucose
- DHA, EPA
- Lecithin
Tinh bột có trong gạo, bánh mì, các loại mì bún phở… khi được phân giải trong cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường glucose và trở thành nguồn năng lượng cho não. Ngoài ra, DHA, EPA có nhiều trong các loại cá như cá thu, cá ngừ, cá mòi… cũng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thần kinh.
Do DHA và EPA không thể tự sản sinh trong cơ thể nên chúng ta cần chủ động bổ sung thông qua ăn uống. Lecithin có trong các sản phẩm từ đậu nành và phô mai là chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng nâng cao khả năng ghi nhớ và tập trung.
Khi chúng ta thực hiện các hoạt động luyện não, não sẽ cần tiêu thụ một lượng năng lượng và dinh dưỡng nhất định nên việc bạn đừng quên ý thức thường xuyên bổ sung các dinh dưỡng nói trên nhé!
9. Ngủ đủ giấc để não được nghỉ ngơi
Việc sử dụng não hàng ngày là cần thiết để giúp não phản ứng nhanh, nhưng nếu bớt cả thời gian ngủ để luyện tập thì sẽ phản tác dụng. Đảm bảo não được nghỉ ngơi đầy đủ mới có thể khiến não phát huy sức mạnh.
Một ví dụ dễ hiểu là chúng ta thường cảm thấy đầu óc mơ hồ, không tỉnh táo sau một đêm thức trắng. Có nhiều phương pháp kích hoạt não nhưng suy cho cùng, không có cách nào hơn một giấc ngủ chất lượng giúp cả cơ thể, tâm hồn và trí óc được nghỉ ngơi.
Thời gian ngủ hiệu quả là 7~8 tiếng. Nếu mỗi đêm bạn chỉ ngủ được dưới 7 tiếng thì nên ngủ trưa khoảng 10~15 phút. Khoa học cũng đã chứng minh một giấc ngủ trưa ngắn đủ giúp não tỉnh táo và hoạt động tốt.
10. Thường xuyên vận động như đi bộ, chạy bộ
Những hình thức vận động nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ làm tăng lưu lượng máu trong cơ thể và đưa oxy lên não.
Khi đầu óc mông lung, không nghĩ ra được nhiều ý tưởng, hoặc mệt mỏi vì thiếu ngủ, bạn có thể đi dạo xung quanh.
Tuy nhiên, nếu vận động với mục đích chính là giúp não phản ứng nhanh thì bạn nên lưu ý giữ cho mức độ vận động nhẹ nhàng. Nếu bạn tăng cường độ vận động lên quá nhiều và quá mạnh sẽ khiến cả cơ thể lẫn não bị mệt mỏi, dẫn đến nguy cơ giảm hiệu quả hoạt động.
11. Đọc sách
Những người đầu óc linh hoạt cũng thường là những người có khả năng ghi nhớ tốt, đồng thời có khả năng sáng tạo, đưa ra những ý tưởng mới dựa trên kiến thức và kinh nghiệm phong phú. Đọc sách chính là một cách hiệu quả để rèn luyện khả năng ghi nhớ cũng như khả năng sáng tạo.
Ngoài ra, nếu đọc sách với mục đích “luyện não” thì bạn cần ý thức cả về output (vận dụng kiến thức/thông tin đã tích lũy vào thực tế) chứ không chỉ input (nạp thông tin/kiến thức vào đầu).
Những người linh hoạt, phản ứng nhanh có thể phát huy những điều đã học, đã nhớ vào cuộc sống, công việc nên họ thường xuyên đưa ra được những ý tưởng mới mẻ, độc đáo khiến mọi người xung quanh bất ngờ.
12. Tính nhẩm
Bộ não con người được chia thành não trái và não phải, tính nhẩm được cho là phương pháp rèn luyện não phải hiệu quả. Não phải lại phụ trách trí tưởng tượng và xử lý cảm xúc. Bạn có thấy là những người đầu óc linh hoạt thường có đặc trưng giỏi hình dung, nắm bắt cảm xúc, suy nghĩ, hoàn cảnh của đối phương không?
Nói cách khác, nếu bạn có thể rèn luyện não phải bằng việc tính nhẩm, bạn sẽ có khả năng trau dồi được những đặc trưng của một người linh hoạt.
Ngoài ra, nói là tính nhẩm nhưng bạn không cần phải giải những phép tính quá phức tạp.
Chỉ cần chủ động thực hiện những tính toán gần gũi trong cuộc sống hàng ngày như tính nhẩm hóa đơn khi đi mua sắm, tính nhẩm tổng số tiền các món ăn đã gọi… là đã đủ có tác dụng rồi bạn nhé.
Tổng kết
Những người linh hoạt, phản ứng nhanh sở hữu nhiều năng lực hữu ích như ra quyết định nhanh chóng, dứt khoát, sáng tạo…
Tuy những năng lực này mang yếu tố bẩm sinh một phần, nhưng hoàn toàn có thể rèn luyện được thông qua nỗ lực, cố gắng.
Vì vậy, bạn không cần phải buồn rầu vì “đầu óc mình không được nhanh nhạy lắm, xử lý công việc chậm chạp…” Hãy tìm hiểu và chọn ra những cách giúp não phản ứng nhanh phù hợp với bạn và bắt đầu rèn luyện từng chút một. Nếu bạn thực sự quyết tâm và kiên trì thực hiện, chắc chắn dần dần bạn sẽ cảm thấy mình trở nên linh hoạt và sáng tạo hơn trước.
Có thể bạn quan tâm: Định vị bản thân – Làm chủ cuộc đời
Bình Luận 1