Cùng giải mã bộ não con người – tìm hiểu về cấu tạo và chức năng, để thấy được vai trò to lớn kỳ diệu của cơ quan tưởng chừng bé nhỏ này, đây cũng là những thứ cần tìm hiểu cho những ai đang tìm cách cải thiện não bộ của mình.
Giải mã về cấu tạo của bộ não
Trọng lượng của não chiếm khoảng 2% thể trọng cơ thể. Ví dụ nếu bạn nặng 60kg thì bộ não của bạn nặng khoảng 1.2kg.

Bộ não con người có thể được chia thành 3 phần lớn: Đại não, Tiểu não và Thân não. Chức năng chính của mỗi thành phần như sau:
Đại não
Đại não có trọng lượng khoảng 1.100gr. Có thể chia đại não thành 2 phần lớn: Vỏ đại não và Hệ viền (Lymbic system). Trong đó, vỏ đại não còn được gọi là não người, phụ trách những hoạt động mang tính trí tuệ nói chung. Vỏ đại não được chia thành 4 thùy chính: thùy trán, thùy đỉnh, thùy thái dương, thùy chẩm. Đặc trưng của bộ não con người là có phần thùy trán phát triển hơn hẳn so với các loài động vật khác.
Hệ viền còn được gọi là não thú, bao gồm hạch hạnh nhân và hồi hải mã, chủ yếu phụ trách cảm xúc và trí nhớ. Cảm xúc do hệ viền chi phối là những cảm xúc như yêu – ghét – giận dữ – lo lắng – sợ hãi – vui mừng, thoải mái – khó chịu. Khi những cảm xúc này được sinh ra, con người sẽ dựa vào chúng để ra quyết định chiến đấu hay bỏ chạy.
Hồi hải mã của hệ viền liên quan mật thiết đến trí nhớ – đặc biệt là trí nhớ ngắn hạn. Vì trí nhớ ngắn hạn sẽ được chuyển lên trí nhớ dài hạn, nên có thể nói hệ viền chính là nền tảng của trí nhớ.
Tiểu não
Tiểu não có trọng lượng khoảng 130gr. Tuy kích cỡ nhỏ và chỉ nặng bằng gần 1/10 trọng lượng của đại não, nhưng ở tiểu não tập trung khoảng 100-120 tỷ tế bào thần kinh – nhiều gấp 10 lần số tế bào thần kinh ở đại não.
Tiểu não phụ trách cử động thành thục của tay chân và điều khiển những cử động vô thức của cơ bắp để giữ cân bằng cơ thể. Những cử động thành thục này gọi là vận động phối hợp.
Chuỗi cử động/thao tác của tay chân sẽ được lưu giữ ở tiểu não dưới dạng chương trình. Để thực hiện tất cả những động tác như ăn, uống, đi đứng…, con người cần phải sử dụng khéo léo mượt mà rất nhiều các cơ bắp của tay chân, trong vô thức.
Lấy ví dụ chỉ một động tác cầm đũa thôi, không có ai vừa sử dụng đũa vừa suy nghĩ từng tí một là cử động ngón trỏ đến mức độ này, dùng sức ở ngón cái ở mức này, đưa ngón giữa đến chỗ này… Đó là vì mức độ dùng sức của các cơ bắp để thực hiện một động tác nào đó đã được lưu lại ở tiểu não dưới dạng chương trình, và được sử dụng tùy theo nhu cầu.
Chức năng của tiểu não là cần thiết không thể thiếu để tập luyện các môn thể thao cần cử động nhanh và hiệu quả. Bằng việc lặp đi lặp lại một chuỗi các động tác khi luyện tập, các vận động viên sẽ cài đặt được chương trình của động tác đó vào trong tiểu não. Ban đầu khi mới tập một môn thể thao, ai cũng lóng ngóng vụng về, nhưng khi liên tục luyện tập thì sẽ trở nên cử động thành thục một cách tự động trong vô thức. Nói cách khác, việc luyện tập thể thao chính là cài đặt chương trình vào trong tiểu não.
Sau khi lớn lên, con người vẫn có thể cài đặt chương trình vào tiểu não, tuy nhiên việc cài đặt này sẽ dễ dàng hơn ở giai đoạn trẻ nhỏ khi não phát triển mạnh.
Thêm vào đó, một khi chương trình đã được cài đặt trong tiểu não thì dù không được sử dụng một thời gian dài, nó vẫn ở đó. Đó là lý do vì sao khi bạn đã biết đi xe đạp thì dù không đi xe đạp nhiều năm, bạn vẫn đi được.
Mặt khác, tiểu não bị suy yếu dưới tác động của cồn. Khi chúng ta say, tay chân trở nên loạng choạng là vì chức năng của tiểu não bị suy yếu khiến các cử động của cơ bắp để giữ cân bằng cơ thể trở nên vụng về.
Thân não
Thân não là phần nối giữa đại não, tiểu não với tủy sống.
Thân não có trọng lượng khoảng 25gr, được chia thành thân não phần trên (gian não) và thân não phần dưới. Thân não phần trên gồm có đồi thị, vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến tùng. Thân não phần dưới gồm có trung não, cầu não, hành tủy.
Thân não còn gọi là não sinh mệnh, phụ trách tất cả các hoạt động sống của con người. Thân não có kích cỡ chỉ lớn hơn ngón tay cái một chút, nhưng là nơi tất cả hiệu lệnh từ đại não cũng như tất cả thông tin truyền đến đại não đều phải đi qua.
Trung não và cầu não có liên quan tới sự tỉnh thức, nên nếu 2 bộ phận này bị tổn thương, con người sẽ không mở mắt ra được nữa, không tỉnh dậy được. Hành não điều tiết hô hấp, mạch đập, huyết áp, khi ngủ chúng ta vẫn có thể thở được là vì hành não vẫn đang hoạt động.
Khi thân não ngừng hoạt động, con người sẽ “chết”.
Giải mã về chức năng của bộ não

Bộ não con người không chỉ phụ trách các hoạt động sống mà còn tất cả các hoạt động tư duy, ý thức và cả vô thức. Chức năng của bộ não con người có thể chia thành 3 nhóm chính như sau:
Quản lý điều khiển cơ thể
- Quản lý, điều chỉnh lượng oxy trong máu, nhịp hô hấp
- Quản lý, điều chỉnh lưu lượng máu, nhịp tim, huyết áp, lượng máu
- Quản lý, điều chỉnh hàm lượng dinh dưỡng có trong máu
- Quản lý, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể
- Quản lý, điều chỉnh lượng nước trong cơ thể
- Quản lý, điều chỉnh hormone
- Quản lý, điều chỉnh hệ thần kinh tự chủ (ngủ/thức, toàn bộ nội tạng, hệ thần kinh, hệ bạch cầu)
- Quản lý cảm giác thèm ăn, bài tiết, ham muốn tình dục
- Quản lý chức năng phản xạ, chức năng vận động
- Quản lý trao đổi chất của tế bào và gen di truyền (DNA)
- Quản lý dòng điện và năng lượng chảy trong cơ thể
- Điều chỉnh cân bằng như trái phải, trên dưới, trước sau
Quản lý não ý thức
- Chức năng ghi nhớ, quyết định, ngôn ngữ
- Trải nghiệm bản thân, phân tích hiện tượng, hợp lý hóa
- Quản lý toàn bộ trải nghiệm ý thức cảm giác
- Quản lý dẫn truyền thần kinh
- Phân tích thông tin cảm giác, ra hiệu lệnh dẫn truyền
- Quản lý trí tuệ/cảm xúc/ý thức cùng với vỏ đại não
- Xuất và quản lý sóng não
- Quản lý nhận thức bản thân
Quản lý não vô thức
- Xác nhận vị trí bản thân hiện đang ở đâu
- Chuẩn bị hành động và toàn bộ hành vi, hành động
- Hình ảnh hóa tinh thần, cảm xúc, cảm giác
- Chức năng cân bằng tinh thần
- Xuất phát điểm của suy nghĩ và xuất phát điểm của ham muốn
- Chức năng mang tính tiềm thức như trực giác, cảm tính, sự nhạy cảm
- Nhận tín hiệu sóng, rung chấn, rung động/nhịp điệu của vũ trụ
- Nhận tín hiệu và cộng hưởng với nhịp điệu của trái đất