10 CÁCH LOẠI BỎ SỰ TRÌ HOÃN (ĐÃ ĐƯỢC KHOA HỌC CHỨNG MINH)
Đôi khi, ngay cả những người làm việc tập trung và năng suất nhất cũng trì hoãn. Một số người cảm thấy rằng họ làm việc hiệu quả nhất vào những giờ phút cuối cùng trước hạn chót. Tuy nhiên, nếu khuynh hướng trì hoãn bắt đầu khiến chất lượng cuộc sống và công việc của bạn trở nên tồi tệ, đã đến lúc nhìn nhận lại một cách thực tế và phá bỏ thói quen này.
Thực hiện từng bước nhỏ để quản lý thời gian tốt hơn sẽ giúp bạn giảm thiểu khuynh hướng trì hoãn và đưa bạn trở lại quỹ đạo làm việc năng suất. Dưới đây là 10 cách bạn có thể áp dụng để không còn phải vật lộn trong cuộc đua với thời gian.
- XÁC ĐỊNH CON QUÁI VẬT
Chìa khóa để tiêu diệt sự trì hoãn là tập trung. Chúng ta thường để bản thân rơi vào tình trạng có quá nhiều việc phải làm và bị quá tải. Hãy bắt đầu từ việc chọn chỉ MỘT việc bạn đã đang trì hoãn và cam kết sẽ hoàn thành nó trong thời gian ngắn nhất có thể.
- BẮT ĐẦU NGAY HÔM NAY
Một khi bạn đã thu hẹp về một nhiệm vụ, bạn cần hành động ngay lập tức. Ngay HÔM NAY. Nếu bạn cảm thấy thoái chí hoặc nghĩ rằng mình không có đủ thời gian, hãy áp dụng chiêu “5 Phút Kỳ Diệu” tiếp theo.
- NĂM PHÚT KỲ DIỆU
Đây là một trong những tuyệt chiêu hiệu quả nhất dành cho những người luôn phải vật lộn với sự trì hoãn. “5 Phút Kỳ Diệu” yêu cầu bạn trước hết tự hỏi: “Việc gì mình có thể làm trong 5 phút ngày HÔM NAY để đẩy công việc này tiến lên dù chỉ là 1cm?” Một khi bạn đã xác định được hành động nhỏ này, hãy đặt đồng hồ bấm giờ trong 5 phút và HÀNH ĐỘNG.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một khi bạn bắt đầu việc gì đó, bạn sẽ có xu hướng muốn hoàn thành nó. (Đây là một hiện tượng tâm lý gọi là Hiệu ứng Zeigarnik – con người thường nhớ những nhiệm vụ chưa hoàn thành hoặc bị gián đoạn hơn là các nhiệm vụ đã hoàn thành). Hãy nhớ: hành động dù nhỏ vẫn là hành động. 5 phút có thể tạo nên cả sự khác biệt lớn.
- MỘT GIỜ QUYỀN NĂNG
Một Giờ Quyền Năng bao gồm dẹp sang một bên tất cả những thứ gây gián đoạn và tập trung tối đa làm việc trong 1 khoảng thời gian (20-25 phút là hợp lý) và có giải lao ngắn xen kẽ.
Khoa học đã tìm ra rằng não chúng ta liên tục trải các các chu kỳ lên xuống. Để tối đa hiệu suất, chúng ta cần tận dụng các chu kỳ này bằng cách cân bằng và kết hợp những khoảng thời gian thật sự tập trung với nghỉ ngơi thư giãn.
- TIÊU DIỆT BẰNG SỰ DỊU DÀNG
Nghiên cứu chỉ ra rằng bạn càng tha thứ cho bản thân mình vì những lần trì hoãn trong quá khứ, bạn càng dễ có khả năng vượt qua sự trì hoãn hiện tại và bắt tay vào hành động. Nếu bạn có xu hướng tự gắn cho mình cái mác “kẻ trì hoãn” thì trước hết hãy dừng việc tự ám thị này lại.
Bất kể trải nghiệm tồi tệ mà sự trì hoãn mang lại cho bạn trong quá khứ là gì, hãy tập trung một lần nữa vào việc cố gắng thêm 5% vì mục tiêu và đồng thời vẫn cho phép bạn được là con người bình thường.
- CÓ MỘT BÀI HÁT TẠO ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ
Hãy chọn 1 bài hát khiến bạn thực sự thấy tràn đầy năng lượng mỗi khi bắt tay vào xử lý thứ gì đó bạn đang trì hoãn. Não chúng ta cần tín hiệu mỗi khi hình thành thói quen mới: cứ nghe bài hát này não sẽ tự hiểu đây là lúc bắt tay vào làm.
- TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN THỰC SỰ
Sẽ có ích nếu bạn biết lý do thật sự tại sao bạn lại đang trì hoãn một nhiệm vụ. Bạn có cầu toàn không? Mong muốn mọi thứ phải hoàn hảo đôi khi là nguyên nhân khiến bạn không thể đi bước đầu tiên. Hay có điều gì bạn lo sợ? Có thể bạn cảm thấy choáng ngợp và không biết bắt đầu từ đâu.
Hãy điền vào chỗ trống: “Mình đang trốn tránh việc này vì …” hay “Mình lảng tránh nhiệm vụ này sợ rằng …” Sau đó hãy xem điều gì xảy ra. Xác định nỗi sợ có thể giúp bạn nhận ra con quái vật đang núp mình trong tủ không khủng khiếp như bạn tưởng tượng.
- TỪ BỎ
Hầu hết mọi người thường có một To Do List dài dằng dặc. 1 cách để chấm dứt trì hoãn việc gì đó là quyết định không làm nó ngay từ đầu. Thử gạch bỏ và đơn giản hóa To Do List của bạn vì sẽ có những việc bạn nhận ra rằng mình không thực sự cần thiết phải làm. Hãy cho phép mình từ bỏ.
- CÁ CƯỢC
Sẽ thú vị nếu bạn thử cá cược với 1 người bạn đáng tin cậy của mình. Hãy chọn ngày giờ cụ thể mà bạn sẽ hoàn thành nhiệm vụ và nói với bạn/đồng nghiệp mình rằng: “Tớ sẽ cho cậu 200k/ mời ăn trưa/ mua cà phê cho cậu/ cùng đi xem bộ phim dở kinh khủng mà cậu muốn đi từ lâu.. nếu tớ không hoàn thành ABC vào lúc XYZ”. Hãy yêu cầu người bạn của mình kiểm tra bạn khi đến giờ hẹn trước. Nếu bạn không hoàn thành thì …, bạn nợ họ bất cứ điều gì bạn đã hứa.
- BIẾN NÓ TRỞ NÊN THÚ VỊ
Một cách khác để tạo động lực cho bản thân là hãy hứa tự thưởng cho mình thứ gì đó khi bạn hoàn thành. Nghiên cứu cho thấy não người phản ứng khi được kích thích bằng phần thưởng và đây có thể là 1 cách để tạo thói quen tốt.
Hy vọng rằng 10 cách trên đây đã giúp bạn có cái nhìn lạc quan hơn về khả năng khắc phục sự trì hoãn. Hãy thử áp dụng ngay với một nhiệm vụ bạn đang bỏ dở giữa chừng hoặc đang lưỡng lự chưa hành động và xem kết quả thực tế như thế nào nhé. Chúc bạn năng suất hơn!